|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

COVID-19 và Thông tư 18, hai 'tảng đá' đè bẹp tín dụng tiêu dùng

05:30 | 07/04/2020
Chia sẻ
Người lao động mất việc, bị nợ lương vì dịch bệnh sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam khi những người đi vay bỗng chốc mất khả năng trả nợ.

Cùng với đó Thông tư 18 có hiệu lực từ đầu năm quy định về giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt sẽ tạo áp lực lên mô hình kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và mới. 

Năm 2020 có lẽ sẽ trở thành cơn "ác mộng" với nhiều công ty tài chính tiêu dùng khi lợi nhuận dự đoán sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.

COVID-19 và Thông tư 18, hai 'tảng đá' đè bẹp tín dụng tiêu dùng - Ảnh 1.

Covid-19 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là những áp lực buộc mô hình kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng phải có sự điều chỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Covid-19 và nợ xấu tín dụng tiêu dùng

Khi nền kinh tế bị tổn thương vì dịch Covid-19, làn sóng cắt giảm lao động đang lan ra trong các nhiều ngành nghề như hàng không, du lịch, bán lẻ, giải trí, ăn uống...

Và hệ quả là thu nhập của nhiều hộ gia đình và cá nhân sẽ suy giảm, kéo theo khó khăn lên việc chi trả các khoản nợ tiêu dùng đến hạn. 

Nợ xấu tín dụng tiêu dùng theo đó cũng sẽ gia tăng nếu nhiều tổ chức tín dụng hoặc công ty tài chính không có các chính sách miễn, giảm hoặc giãn nợ cho khách hàng.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 tăng gần 60% so với 1 tháng trước đó, lên tới gần 48,000 người. Con số này cũng cao hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số những người thất nghiệp này và cả những người đang bị nợ lương do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động không thiếu những người đã và đang có những khoản vay tiêu dùng tại nhiều công ty tín dụng tiêu dùng đến ngày đáo hạn.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới của CTCP Chứng khoán Mirae Asset, tổng dư nợ cho mảng tài chính tiêu dùng theo những số liệu cập nhất mới nhất được công bố vào khoản 130 ngàn tỷ đồng với sự chiếm lĩnh hơn 50% thị phần (65 ngàn tỉ) tới từ FECredit. 

Đây là một tỷ trọng nhỏ (khoảng 1.4% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào khoản 9 triệu tỉ đồng).

Dù báo cáo phân khúc cụ thể về tỷ trọng cho vay không được công bố rộng rãi, theo quan sát, tỷ trọng cho vay tiền mặt và thiết bị điện điện tử vẫn chiếm cao nhất. 

Về ngành nghề người đi vay cũng không được thống kê cụ thể, tuy nhiên khảo sát số liệu mới nhất hầu hết tập trung vào lao động tự do với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng .

“Từ những dữ liệu này cho thấy mảng nợ xấu chắc chắn sẽ gia tăng dưới ảnh hưởng của đại dịch vì thu nhập phần lớn lực lượng lao động sẽ giảm (xe ôm công nghệ, dịch vụ ăn uống, giải trí ...)”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, áp lực nợ xấu lên nhóm công ty tài chính tiêu dùng này sẽ không lớn vì họ luôn có những kịch bản stress test (kịch bản xấu nhất cho hệ thống) về lượng nợ xấu bùng phát ở mức nào và sức chịu đựng của họ là bao nhiêu. 

Điều này phụ thuộc rất lớn vào hệ thống quản trị rủi ro của từng đơn vị.

Ngoài ra, hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đang có tỷ trọng lớn ở Việt Nam như FECredit, HD Saison hay các công ty nước ngoài từ Hàn Quốc và Nhật Bản đều có tiềm lực tài chính và ngân hàng mẹ chống lưng khá tốt.

Từ diễn biến dịch bệnh và thống kê các con số, năm 2020, theo ông Tuấn, có thể là một năm “bết bát” với các công ty tài chính tiêu dùng và có thể xuất hiện nhưng con số được công bố “lỗ” sau nhiều năm thu lợi nhuận khủng.

Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 59% trong giai đoạn 2013-2017. 

Tốc độ tăng trưởng này trong năm 2018 đã chững lại ở mức 30.4% so với năm 2017, dù tín dụng tiêu dùng trong năm này đóng góp tới gần 20% vào tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Tăng trưởng của các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm xuống 15% trong năm 2018, so với mức 38% của một năm trước đó.

Với sân chơi được mở rộng trong năm 2019, dự báo tăng trưởng doanh thu của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã bị thu hẹp. 

Và sang tới năm 2020, khi kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch bệnh, tăng trưởng của nhiều công ty được dự đoán sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.

Họa vô đơn chí

Theo Thông tư 18 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, các công ty tài chính phải giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt với khách hàng trên tổng dư nợ tín dụng xuống 70% kể từ đầu năm 2021. 

Tỷ lệ này sau đó sẽ phải giảm tiếp xuống 60% trong năm 2022, 50% từ năm 2023 và xuống 30% từ đầu năm 2024. Quy định này sẽ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.

Fitch Ratings hồi đầu tháng 2 đã đưa ra đánh giá việc siết cho vay tiền mặt sẽ gây áp lực lên mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng. 

Ngoài ra quy định này có thể thúc đẩy cạnh tranh trong ngành để đưa ra các phân khúc sản phẩm khác thay thế khi các công ty tài chính tiêu dùng tìm cách phát triển.

Các công ty tài chính, theo đó, sẽ phải đối mặt với thách thức đa dạng hóa danh mục cho vay của mình để duy trì tăng trưởng và lợi nhuận. 

Quy định mới sẽ có ảnh hưởng lên tăng trưởng doanh thu khi Fitch ước tính cho vay tiền mặt hiện chiếm tới một nửa tổng dư nợ của 3 công ty tài chính lớn nhất Việt Nam trong năm 2018.

FE Credit và Home Credit Việt Nam hiện là 2 công ty tài chính cho vay tiền mặt đáng kể, với tỷ lệ tại FE Credit là khoảng 73% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3-2019 và tại Home Credit Việt Nam là 58% tại thời điểm cuối năm 2018.

Cả hai công ty tài chính này đều nằm trong top đầu thị trường về thị phần cho vay tiêu dùng và được Fitch đánh giá là có khả năng định vị lại danh mục cho vay trong vòng 4 năm tới dựa trên mạng lưới phân phối rộng rãi trên cả nước và nhiều bộ sản phẩm để đáp ứng quy định siết cho vay tiền mặt mới.

Theo Fitch nhận định, HD Saison sẽ hầu như không bị ảnh hưởng bởi quy định mới, bởi cho vay tiền mặt hiện chỉ chiếm 32% tổng dư nợ cuối năm 2018 tại công ty này. 

Trong khi đó, các công ty tài chính nhỏ và mới hơn với mục tiêu tập trung cho vay tiền mặt có thể gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng quy định mới.

Theo đó, các công ty này cần phát triển thêm chuyên môn về sản phẩm và mở rộng kênh phân phối để tránh phụ thuộc vào cho vay tiền mặt. 

Tuy nhiên việc này có thể đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn và rủi ro thực hiện trong việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh và dòng sản phẩm mới.

Lợi nhuận của các công ty tài chính sẽ phải dựa vào các sản phẩm tài chính tiêu dùng khác thay vì cho vay tiền mặt. Thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng trả góp khi mua các sản phẩm tiêu dùng như tivi tủ lạnh có thể là 2 trong số các sản phẩm như vậy.

Lợi nhuận của ngành này vẫn được Fitch đánh giá là hấp dẫn, nhưng lợi nhuận đã và đang bị thu hẹp trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ những người chơi mới tham gia vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, bao gồm một số công ty con của ngân hàng và vốn mới đổ vào từ các tổ chức tài chính lớn trong khu vực.

Các công ty tài chính lớn của Hàn Quốc như Shinhan Card, Lotte Card và Hyundai Card và Ngân hàng Shinsei của Nhật Bản chính là những tổ chức đã mua hoặc đang trong quá trình mua cổ phần tại các công ty tài chính Việt Nam trong những năm gần đây.

Trang Nguyễn