|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 10%, cần kích cầu tiêu dùng để chữa bệnh thừa tiền

09:30 | 21/10/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm doanh nghiệp khó khăn. Do đó, cần tập trung vào các giải pháp kích cầu thay vì kích cung vốn, nếu không có mà cải thiện được tăng trưởng tín dụng.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng năm nay khó có thể đạt mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra mà chỉ giao động trong khoảng 9-12%. Vì vậy, cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh cả nền kinh tế gặp khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/9 mới đạt khoảng 6,92%, cao hơn dự báo của NHNN là 6,1 - 6,2% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tại một hội nghị mới đây.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là tốc độ tăng trưởng đã nhanh hơn so với trước. Bởi tính đến ngày 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%) nhưng chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9/2023, tín dụng đã tăng 1%, tương đương 120.000 tỷ đồng.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, xuất khẩu giảm sâu, ngành sản xuất gặp khó khăn thì rất khó để tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu 13 - 14% của năm nay.

Tăng trưởng tín dụng xuống mức khá thấp trong các năm trở lại đây. (Nguồn: NHNN, SSI Research).

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 10% nhưng chắc chắn càng về cuối năm tốc độ tăng trưởng tín dụng càng nhanh hơn.

Theo ông, các chính sách đều có độ trễ nhất định, dù NHNN đã hạ lãi suất điều hành từ đầu năm nhưng phải quý III, quý IV dòng tiền mới thực sự thẩm thấu. "Dự kiến cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng sẽ bắt đầu tăng, đương nhiên không thể đạt mục tiêu 14-15% nhưng đâu đó sẽ xoay quanh 9-10%", ông Huân nói.

Vị này cho rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm doanh nghiệp khó khăn, nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Vì thế cần có thêm giải pháp kích cầu, thay vì tập trung kích cung vốn.

Các chuyên gia từ Chứng khoán MBS cũng cho rằng cùng với việc tăng trưởng GDP thấp và tổng cầu thế giới suy yếu, mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao, nên chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. 

Đồng thời, hiện thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, nhưng vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm, khi số lượng giao dịch giảm 40%, số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kích cầu tiêu dùng để cải thiện tăng trưởng tín dụng

Trước tình thế này, các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng buộc phải thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng, một mặt đẩy nhanh tín dụng tiêu dùng mặt khác tạo đầu ra cho hàng hoá, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Khi ấy, nhu cầu vay vốn đề đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể tăng trở lại.

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ giai đoạn 2018 - nay. (Nguồn: TCTK, SSI Research).

Mặc dù trong 9 tháng đầu năm ngành bán buôn và bán lẻ tăng trưởng 8,15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng trưởng doanh thu bán lẻ danh nghĩa chỉ ở mức 7,3%, giảm so với mức tăng trưởng 8,8% của quý II/2023 chủ yếu do tiêu dùng yếu và đóng góp doanh thu từ ngành du lịch chậm lại.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy năm COVID-19, năm ngoái lại trải qua cú sốc về tài chính tiền tệ. Do đó, thu nhập của người dân giảm sút rất mạnh, các nguồn tiết kiệm dần cạn kiệt, kể cả khối tư nhân hay khối doanh nghiệp.

"Nếu không có những chính sách kích cầu, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng giảm qua các quý", ông nói.

Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Mới nhất là việc đề xuất Quốc hội tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số mặt hàng, tương tự giai đoạn hậu COVID-19.

Vị chuyên gia này phân tích, nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp gặp khó và không muốn tiếp cận tín dụng ở giai đoạn này là do mất đi thị trường. Hiện các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều gặp khó nhiều doanh nghiệp phải quay sang trông đợi vào thị trường nội địa, tuy nhiên với bối cảnh hiện nay sức mua trong nước cũng không mấy tích cực.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội. (Ảnh: VGP).

Ông Vũ Vinh Phú chỉ ra hai yếu tố cần đẩy mạnh nếu muốn thúc đẩy tiêu dùng, qua đó cải thiện tỷ lệ tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm.

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tài khoá, trong đó đề xuất chính sách giảm 2% VAT đến tháng 6/2024 là động thái rất phù hợp của Chính phủ. Theo ông, khác với những gói hỗ trợ hay giảm lãi suất, việc giảm thuế sẽ tác động ngay đến nền kinh tế, kiến giá cả hàng hoá bớt "đắt đỏ" để người dân gia tăng nhu cầu. 

Đồng thời, chính sách này cũng giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế cho xăng dầu, một mặt kiềm chế lạm phát mặt khác hỗ trợ bán lẻ hàng hoá bởi giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến giá một số mặt hàng do chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.

Thứ hai, từ góc độ của chuyên gia bán lẻ, ông Phú nhấn mạnh cần tiếp tục cắt giảm khâu trung gian, tạo điều kiện để hàng hoá đi từ người sản xuất đến người mua nhanh chóng, thuận tiện nhất. Bởi khác với nhiều quốc gia hiện đại, hàng hoá ở Việt Nam nhất là các mặt hàng thực phẩm hiện đi qua khá nhiều khâu trung gian.

Trung bình, khâu này chiếm 20 - 25% lợi nhuận, ông lấy ví dụ: "Đơn cử như một kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 40 - 50%. Rõ ràng qua 3-4 khâu trung gian đã đẩy giá lên". Như vậy với giá bán lẻ bị đẩy quá cao sức mua sẽ càng giảm mạnh trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).