|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các công ty tài chính có còn 'đẻ trứng vàng' trong đại dịch?

10:14 | 13/08/2021
Chia sẻ
Cho vay tiêu dùng là một trong những mảng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, những con gà đẻ trứng vàng của các ngân hàng đang đứng trước thách thức lớn khi tốc độ tăng trưởng chững lại, khả năng thu hồi nợ kém đi.

Tăng trưởng nhiều công ty chững lại trong mùa dịch

Dù dư địa tăng trưởng vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, các con số tài chính cho thấy các công ty tài chính tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức giai đoạn này.

Theo báo cáo hoạt động mới được VPBank công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của FE Credit đạt 8.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lãi ròng lại giảm từ mức 29,1% trong năm trước xuống còn 26,9%.

Qua đó, khiến lợi nhuận trước thuế của công ty tài chính có thị phần lớn nhất Việt Nam giảm một nửa xuống còn 1.200 tỷ đồng. 

Trong nửa đầu năm, hoạt động giải ngân của FE Credit gần như đi ngang so với cùng kỳ 2020 và thấp hơn 25% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo SSI Research, điều này có thể lý giải rằng VPBank quyết định không mở rộng hoạt động kinh doanh của FE Credit cho đến quý III/2021.

Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng lên trong 6 tháng đầu năm trong khi tỷ lệ nợ xấu trong báo cáo riêng lẻ lại giảm xuống, điều này cho thấy khả năng chất lượng nợ vay của FE Credit có chiều hướng giảm. 

Các công ty tài chính có còn 'đẻ trứng vàng' trong đại dịch? - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo kết quả hoạt động của VPBank).

Khả quan hơn FE Credit, lợi nhuận của HD Saison vẫn tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm nay, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm hơn đáng kể so với các năm trước đó.

Cụ thể, trong hai quý đầu năm nay, HD Saison lãi trước thuế 590 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, từ 2017 - 2020, tăng trưởng lợi nhuận của công ty luôn đạt hai chữ số. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng còn đạt tới hơn 70%.

Mặt khác, NIM của công ty đã được cải thiện lên mức gần 30%, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ mức 5,81% cuối năm ngoái lên 5,84% cuối quý II/2021. 

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng dư nợ của HD Saison là 14.393 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay tiền mặt chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục cho vay của công ty (45%), tiếp đó là cho vay xe máy (30%) và cho vay hàng điện máy (24%). 

Tại thời điểm cuối quý II năm ngoái, HD Saison là công ty tài chính có thị phần cho vay xe máy lớn nhất thị trường.

Dịch bệnh đã tác động thế nào tới các công ty tài chính tiêu dùng - Ảnh 2.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Trong khi đó, tại SHB FinanceFCCOM (công ty tài chính của MSB), lợi nhuận năm 2020 đã giảm lần lượt là 34% và 64% xuống 70,7 tỷ đồng và 2,3 tỷ đồng.

Cả hai công ty này đều đang nằm trong kế hoạch thoái vốn của ngân hàng mẹ cho nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh.

MCredit trở thành điểm sáng 

Trong khi các công ty đối thủ có kết quả kinh doanh ảm đạm trong mùa dịch, MCredit lại  trở thành điểm sáng khi tăng trưởng mạnh trong thời gian này.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của MCredit đạt 2.168 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỷ đồng, tăng vọt tới 188%.

Trong năm 2020, công ty tài chính MB sở hữu 50% vốn đạt con số lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, tăng trưởng 77%. Dư nợ đạt mốc trên 10.000 tỷ đồng, tăng 18,3%. 

Mức tăng trưởng tích cực của  MCredit được đánh giá đến từ việc ký kết hợp tác với các đối tác lớn như VietttelPay và kết hợp với một số sản phẩm bán qua kênh số của ngân hàng mẹ.

Tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa phát triển

Đứng trước khó khăn, các công ty tài chính nói riêng là ngành tài chính tiêu dùng nói chung hầu như đều chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Song, theo giới phân tích, lĩnh vực này vẫn được kỳ vọng khả quan với nhiều cơ hội đằng sau những thách thức.

Chia sẻ tại Tọa đàm về Tài chính tiêu dùng hồi tháng 3 vừa qua, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn.

Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng khoảng 20%/năm, được đánh giá là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%). 

Tuy nhiên, theo ông Lực, nếu bóc tách phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất tín dụng tiêu dùng mới tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này ở các quốc lân cận như Trung Quốc là 21%, nhóm các nước ASEAN là 34%.

"Trong khi đó, với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng Việt Nam đang còn rất lớn", theo chuyên gia.

Ở góc nhìn thực tế hơn, trong bối cảnh dịch bệnh, lĩnh vực cho vay tiêu dùng còn được cho là gặp nhiều khó khăn khi thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ kém đi, khiến rủi ro về phía các công ty tài chính tăng lên.

Đặc biệt, nhóm khách hàng chủ yếu của các công ty tiêu dùng tại Việt nam lại tập trung vào phân khúc thu nhập thấp, đây là những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế, theo một báo cáo của Moody's.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực, nhiều doanh nghiệp đang tái cấu trúc quá trình sản xuất kinh doanh và hướng mạnh vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nội địa, thì việc cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn mà các công ty tài chính tiêu dùng đang triển khai lại là lĩnh vực quan trọng, được khuyến khích phát triển mạnh mẽ.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế, chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ.

Theo đó, tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua việc góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất; góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam và tạo việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng...

Lê Huy