Vay tiền dễ dàng khiến giới trẻ Trung Quốc dễ bị 'chìm' trong nợ nần
Gary Wang, 25 tuổi, không đủ khả năng thanh toán cho tất cả các khoản mua sắm của mình, nhưng anh vẫn tiếp tục mua sắm. Anh không thể chống lại được cảm giác thích mua những chiếc smartphone hay các món đồ thời trang xuất hiện trên các ứng dụng Trung Quốc mà anh vẫn thường dùng để xem video ngắn. Các ứng dụng này thường có cơ chế cho vay rất đơn giản, theo SCMP.
“Vay tiền từ các nền tảng này dễ hơn vay từ người quen”, Wang nói. Anh là một nhân viên kiểm thử phần mềm với thu nhập hàng tháng khoảng 8.000 nhân dân tệ (1.191 USD). Tới thời điểm nhận ra thu nhập của mình không đủ chi trả cho thói quen mua sắm, Wang đã nợ 150.000 nhân dân tệ, phần lớn liên quan đến ăn uống bên ngoài và các chi phí khác liên quan đến bạn gái cũ của anh.
Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc cố gắng thắt chặt thị trường cho vay tiêu dùng và tín dụng trực tuyến khiếu nhiều công ty fintech cũng phải chịu sự quản lý tương tự các ngân hàng truyền thống. Dù vậy thói quen “mua trước, trả sau” đã ăn sâu bén rễ với thế hệ trẻ.
“Dịch vụ cho vay trực tuyến có mặt trên mọi ứng dụng mà bạn có thể truy cập được trên điện thoại, vì thế bạn sẽ nghĩ đến chúng bất kỳ khi nào bạn thanh toán”, Wu Ying, một công dân Quảng Châu, nói.
Công dân 26 tuổi này đầu tiên chỉ vay tiền để trả các khoản mua sắm trực tuyến. Khi các hoá đơn chồng chất, cô tìm đến nhiều kênh hơn để vay nợ và đến nay đã có nợ trên 9 nền tảng khác nhau bao ồm Alipay. Meituan, Douyin và Qihoo 360.
Khi Bắc Kinh thắt chặt hoạt động tín dụng trực tuyến, nhiều công ty công nghệ lớn đã phải thu hẹp quy mô hoạt động có liên quan. Thực tế này tạo điều kiện cho sự phát triển của các công ty nhỏ hơn. Theo nhiều nhà phân tích và tiêu dùng, chính phủ khó lòng kiểm soát được tất cả các công ty tín dụng do nhiều công ty đang vận hành “chui”.
Hệ thống ngân hàng phát triển chậm của Trung Quốc tạo điều kiện cho thị trường tín dụng đen phát triển. Mặc dù thế hệ trưởng thành thường vay tiền từ người thân, Gen Z yêu công nghệ lại tìm đến các dịch vụ tín dụng trực tuyến.
“Rất dễ để vay tiền từ các nền tảng internet”, một người đi vay có tên Xia, nói. “Nó đơn giản như thể chuyển tiền từ chính tài khoản của bạn”.
Một trong những ứng dụng mà Xia dùng để vay tiền cho thói quen cá cược thể thao của mình là Youqianhua. Dịch vụ do Duxiaoman (một công ty fintech của Baidu đã tách ra hoạt động độc lập) vận hành hứa hẹn phê duyệt khoản vay trong chỉ 30 giây.
Điều này đồng nghĩa với việc vay tiền từ nó dễ hơn các ngân hàng rất nhiều. Thông thường, ngân hàng sẽ yêu cầu tài sản đảm bảo và nhiều giấy tờ khác. Phần lớn các dịch vụ tín dụng trực tuyến chỉ yêu cầu số căn cước công dân và một vài thông tin cá nhân cơ bản khác.
Mặc dù các ngân hàng truyền thống cũng đang cố gắng bắt kịp cuộc chơi bằn cách dịch vụ cho vay đơn giản và thuận tiện qua ứng dụng của mình, những ngân hàng kiểu này cũng không phải lựa chọn của giới trẻ vì họ hiếm khi đến các chi nhánh ngân hàng truyền thống hoặc mở ứng dụng ngân hàng.
“Các công ty internet có thể kiếm lợi nhuận với dịch vụ cho vay vi mô vì các ngân hàng nội địa có vẻ không muốn dồn sức theo đuổi mảng này”, Bao Linghao, một nhà phân tích cao cấp tạo Trivium China, nói.
Với nhiều công ty internet, việc cung cấp tín dụng tiêu dụng cũng thúc đẩy mảng kinh doanh chính của họ. Một số dịch vụ như nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com, dịch vụ video ngắn Kuaishou và sàn TMĐT Kuaishou đều có tín năng tín dụng tiêu dùng.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, dư nợ tiêu dùng ở các ngân hàng đạt mốc 9 nghìn tỷ nhân dân tệ ở thời điểm cuối tháng 5, chiếm tỷ trọng chưa đến 5% tổng dư nợ của Trung Quốc (200 nghìn tỷ nhân dân tệ).
Các khoản vay tiêu dùng do các nền tảng trực tuyến Trung Quốc thực hiện có thể đã chạm mốc 2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái, theo iResearch.
Tang Yinan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc thuộc Đại học Fudan, nói rằn dịch vụ tín dụng trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương vì họ có thể dễ dàng vướng vào các khoản vay lãi suất cao cùng các điều khoản bất lợi.
Một nhân viên bán xe ở Giang Tô cho biết anh đã ký 2 hợp đồng khi vay tiền qua Weibo. Một khoản vay có lãi suất 8% và một khoản vay còn lại có lãi suất 14% khi Weibo đóng vai trò bảo lãnh.
Chi phí cho 2 khoản vay nói trên tổng cộng lên tới 22,4%, bên cạnh gốc 10.000 nhân dân tệ.
“Tôi cảm thấy lo lắng nhưng tôi là người đi sai đường”, anh nói. “Có nhiều lời đe doạ và các cuộc gọi thu nợ từ số lạ đến từ khắp nơi ở Trung Quốc”.
Sau đó, nhiều nhân viên thu nợ đã tìm thấy anh trên mạng xã hội và khiến anh cực kỳ căng thẳng tâm lý. Cuối cùng, anh đã trả được khoản nợ với sự trợ giúp của gia đình.
Các công ty cho vay thường thuê ngoài nhân viên đòi nợ. Weibo không phản hồi SCMP khi nhận được câu hỏi về hoạt động của mình.
Tín dụng tiêu dùng trực tuyến nở rộ ở Trung Quốc một phần nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh. Chỉ bằng một vài thao tác trên màn hình, người dùng đã có thể dễ dàng vay tiền hơn bao giờ hết. Tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ cho vay trực tuyến đã tăng mạnh từ 0,4% vào năm 2014 lên tới 69,2% vào năm 2021, theo iResearch.
Sự bùng nổ này đã thúc đẩy tiêu dùng và giúp nhóm dân số chưa tiếp cận được với ngân hàng truyền thống cũng có thể sử dụng được dịch vụ tín dụng. Đây chính là một trong những mục tiêu chiến lược của chính phủ.
Dù vậy, điều này cũng mang đến những rủi ro khiến Bắc Kinh đau đầu. Cơ chế cho vay ngang hàng (P2P) ở Trung Quốc có tỷ lệ nợ xấu cao. Ngay cả khi Bắc Kinh thắt chặt quản lý các công ty fintech, những quan ngại vẫn còn.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu các nền tảng có đang đánh giá thấp rủi ro liên quan đến các khoản vay. Mặc dù ngành công nghiệp này giúp những người đang cần tiền có thể tránh khỏi rắc rối, nó cũng có thể khuyến khích hoạt động mua sắm quá tay và làm nhiều người trẻ chìm trong nợ nần.
Số lượng người bị chính phủ đánh giá là “không tín nhiệm”, bao gồm những người không trả được nợ, đã tăng lên mốc hơn 7,5 triệu người, tương đương 0,5% dân số, tăng hơn gấp đôi từ con số 3 triệu người vào năm 2015, theo số liệu từ chính phủ.
Bắc Kinh nhấn mạnh tất cả các hoạt động tài chính đều cần được kiểm soát song đây vẫn là một cuộc chiến.
“Hoạt động điều hành tài chính thường không theo kịp các sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực này”, Yan Hongting, một giảng viên tại Đại học Khoa học Công nghệ Zhejiang, chia sẻ.
Lúc này, nhiều người Trung Quốc cũng đang cố gắng cắt giảm các khoản nợ và việc chi tiêu. Một công dân nói rằng Trung Quốc cần điều hành hoạt động quảng cáo liên quan đến tín dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tạo ra một tiêu chuẩn chung đối với lãi suất và cấm người vay tiền thực hiện các khoản vay mới trước khi trả nợ xong khoản vay cũ.