|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người Mỹ trước nguy cơ vướng vào vòng xoáy nợ nần vì các dịch vụ mua trước, trả sau (BNPL)

09:00 | 10/07/2022
Chia sẻ
Mọi người có thể đang mua nhiều hơn những gì mình nên và họ thừa nhận điều đó. Vì có suy nghĩ “tôi vẫn còn ngày mai”, họ đang sử dụng các dịch vụ BNPL rất nhiều, một chuyên gia cho hay.

Các sản phẩm mua trước, trả sau (buy now, pay later, hay BNPL) từng ngày ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng mong muốn dàn đều chi phí mua các mặt hàng đắt đỏ.

Dù vậy, trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tăng cao, không ít người tiêu dùng Mỹ giờ dùng BNPL cho cả các giao dịch mua sắm hàng ngày như cà phê, đổ xăng hay đồ tươi sống, theo CNN.

 Mua trước, trả sau (buy now, pay later, hay BNPL) là hình thức thanh toán ngày càng được người Mỹ yêu thích. (Ảnh: CNN). 

Đây là một mối quan ngại với các chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng việc tăng sử dụng BNPL kèm theo thiếu tính minh bạch và thiếu quản lý sẽ khiến người Mỹ dễ vướng vào vòng xoáy nợ nần.

Trong khi một số khoản vay hộ gia đình khác như chi tiêu thẻ tín dụng hay vay mua ô tô được Fed theo dõi, các dữ liệu BNPL chưa được Fed thu thập vì BNPL chủ yếu được cung cấp từ các nguồn phi ngân hàng và chưa được báo cáo đầy đủ tới các cơ quan quản lý hoạt động tín dụng.

Điều này đồng nghĩa với việc các dữ liệu liên quan đến tỷ lệ nợ tiêu dùng, giá trị giao dịch, tỷ lệ nợ xấu hay mức thu phí, lãi suất của BNPL đều không được công khai.

“Không cần bàn cãi, có một lỗ hổng lớn về mức độ hiểu biết tình hình tài chính của mọi người nếu như không có dữ liệu BNPL”, Matt Schulz, giám đốc phân tích tín dụng tại LendingTree, nói. “Đây là vấn đề đối với các công ty chấm điểm tín dụng, cơ quan quản lý tín dụng và cả các công ty cho vay”.

Báo động đỏ về giá trị mua trước trả sau

Từ Affirm, Apple cho tới PayPal, Zip, quy mô giao dịch BNPL hiện được ước tính sẽ có giá trị tối thiểu 100 tỷ USD/năm, một con số mà các nhà phân tích nói rằng có thể tăng vọt lên mốc từ 1 nghìn tỷ USD đến 4 nghìn tỷ USD chỉ trong vài năm tới.

Loại dịch vụ này chia các món thanh toán của người dùng thành từ khoảng 4 lần trả góp trở lên trong vòng từ vài tuần đến vài tháng. Người dùng có thể mở một tài khoản mới cho mỗi giao dịch hoặc có thể giữ một tài khoản cho toàn bộ các khoản mua sắm miễn là hoàn thành các nghĩa vụ đúng hạn. Tài khoản BNPL thường không có lãi suất hoặc lãi suất thấp mà không cần trải qua quá trình kiểm tra tín dụng gắt gao.

Để có lợi nhuận, các công ty BNPL thường thu phí các nhà bán hàng từ 1,5% đến 7% cho giá trị giao dịch, theo nghiên cứu của FED Kansas City. Với nhiều nhà bán hàng, mức phí này đáng để đánh đổi khi BNPL tăng giá trị giao dịch lên từ 30% đến 50% và tăng tỷ lệ người mua sắm, theo RBC Capital Markets.

Mặc dù tăng trưởng nhanh, BNPL khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Một điểm trừ lớn là BNPL khiến nhiều người dễ vướng vào nợ nần mà không nhận ra, Terri R. Bradford, một nhà nghiên cứu hệ thống thanh toán tại FED Kansas City, nói.

Quy trình trả góp làm nhiều lần dường như khiến nhiều người cảm thấy như thể bản thân không phải trả tiền cho những món đồ hay dịch vụ mà mình đang mua, bà nói thêm.

“Nguy cơ có nợ chồng nợ bằng cách có nhiều khoản vay BNPL qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ là rủi ro lớn nhất mà tôi thấy”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Hiện tại, 3 cơ quan quản lý tín dụng của Mỹ cho biết đã bắt đầu thêm các hoạt động BNPL vào báo cáo tín dụng. Dù vậy, họ vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ để có thông tin này. Lúc này, một số nhà cung cấp dịch vụ BNPL đã báo cáo về các trường hợp chậm thanh toán hoặc hoàn thành thanh toán khoản vay, theo CNN.

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ đã mở một cuộc điều tra về BNPL và bày tỏ quan ngại liên quan đến các điều khoản không rõ ràng, nguy cơ bị khai thác dữ liệu và thiếu các biện pháp bảo vệ khác.

Dù vậy, điều đáng lo ngại là các biện pháp “chỉnh sửa” tiềm năng có thể sẽ không được thực hiện đủ nhanh, ông Marshall Lux, một nhà nghiên cứu tại Harvard Kennedy School, nói. Ông nhìn nhận rằng các công nghệ dễ sử dụng này bùng nổ ngay giữa lúc tình hình tài chính của nhiều người tệ đi sẽ tạo ra “một cơn bão hoàn hảo” với nhiều người Mỹ.

“Với những gì đang diễn ra, BNPL đang không nhận được sự quan tâm mà nó cần. Người trẻ và những người chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ có thể bị ảnh hưởng xấu và thậm chí làm hỏng điểm tín nhiệm trong nhiều năm tới”, ông nhìn nhận.

“Mọi người có thể đang mua nhiều hơn những gì mình nên và họ thừa nhận điều đó. Vì có suy nghĩ “tôi vẫn còn ngày mai”, họ đang sử dụng các dịch vụ BNPL rất nhiều”, ông Lux nhìn nhận.

Là cựu giám đốc rủi ro của Chase, điểm báo động đỏ với ông Lux là những gì người dùng mua bằng các dịch vụ BNPL và cách họ “vướng vào vòng xoáy nợ nần ngày một nhiều hơn”.

Các công ty BNPL nói gì?

Về phần mình, các nhà cung cấp dịch vụ BNPL cho rằng các dịch vụ của họ là một lựa chọn an toán và bền vững hơn so với các khoản tín dụng truyền thống.

“Sản phẩm và mô hình kinh doanh đều được xây dựng dựa trên triển vọng thành công của người dùng trong tương lai và khả năng trả nợ của họ”, ông Libor Michalek, chủ tịch phụ trách công nghệ, rủi ro và vận hành của Affirm, nói.

Trong khi đó, người phát ngôn của Klarna nhấn mạnh với CNN rằng các sản phẩm không lãi suất của công ty này giúp mọi người thoát khỏi nợ nần. “Chúng tôi kiểm tra tính phù hợp cẩn thần trên mỗi khoản mua sắm, liên tục đánh giá các tiêu chí cho vay, hạn mức tiêu dùng và hạn chế việc sử dụng dịch vụ cho tới khi các nghĩa vụ thanh toán hoàn tất”, người này chia sẻ.

Nam Khánh

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.