|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toàn cảnh cuộc đua dịch vụ 'mua trước, trả sau' Đông Nam Á

13:31 | 23/07/2021
Chia sẻ
Sau thanh toán số, "mua trước, trả sau" ("Buy now, Pay later" hay BNPL) được kỳ vọng là sân chơi nóng bỏng tiếp theo của các công ty fintech.

"Mua trước, trả sau" ("Buy now, Pay later" hay BNPL) đang dần trở thành một xu hướng nóng trong mảng fintech (công nghệ tài chính) khu vực Đông Nam Á. Mỗi tuần, mảng BNPL lại có thêm các thông tin gọi vốn, sáp nhập hoặc hợp tác mới.

Toàn cảnh cuộc đua dịch vụ 'mua trước, trả sau' Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Mới đây, Fave đã gia nhập "câu lạc bộ BNPL" sau khi thâu tóm công ty fintech Ấn Độ Pine Labs. Trong khi đó, Fundiin, một startup Việt Nam cũng bắt đầu tham gia thị trường này và thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Toàn cảnh cuộc đua dịch vụ 'mua trước, trả sau' Đông Nam Á - Ảnh 2.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Theo Tech in Asia, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy mảng BNPL sẽ chững lại. Một khảo sát gần đây của nền tảng nghiên cứu thị trường Milieu Insight cho biết 1/5 dân số Singapore trên 16 tuổi đã sử dụng một sản phẩm BNPL nào đó như Grab PayLater hay Hoolah.

Thực tế, BNPL được kỳ vọng có thể chiếm tỷ trọng 1,3% trong tổng giao dịch TMĐT tại Châu Á Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2024 (gấp đôi con số hiện tại), theo báo cáo của Worldpay.

Hợp tác gia tăng sức mạnh

Để tiếp cận thêm các nhà bán hàng mới một cách hiệu quả, ngày càng có nhiều công ty BNPL phổi hợp với các công ty hiện tại đã có một mạng lưới đối tác kinh doanh lớn.

Công ty Philippines BillEase là một trong số đó. BillEase hợp tác với cổng thanh toán 2C2P cũng như Paynomics, một công ty fintech cho phép nhà bán hàng chấp nhận thanh toán trực tuyến thông qua một giao diện lập trình ứng dụng đơn nhất.

Toàn cảnh cuộc đua dịch vụ 'mua trước, trả sau' Đông Nam Á - Ảnh 3.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán hàng vốn đã cung cấp các lựa chọn thanh toán bằng ví điện tử hoặc qua thẻ tín dụng có thể cung cấp thêm một phương thức thanh toán nữa thông qua hình thức mua trước trả sau. Cùng lúc, các công ty BNPL sẽ có thêm cách thức tiếp cận người dùng mới mà không cần thâu tóm từng nhà bán hàng một.

Các hợp tác tương tự cũng đã được hình thành giữa các công ty BNPL như Atome và Fomo Pay, Atome và Pine Labs, và Hoolah và BridgerPay.

Vừa tuần này, Grab mở rộng các lựa chọn trả sau như một cách để thanh toán với các nhà bán hàng hiện tại đã chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử GrabPay ở Singapore và Malaysia. Grab cung cấp dịch vụ này thông qua hợp tác với công ty thanh toán Adyen.

Tính năng độc lập hay gia tăng?

Tech in Asia nhận định các dịch vụ trả sau ngày càng giống như một tính năng gia tăng bên cạnh các phương thức thanh toán điện tử hiện tại thay vì là một sản phẩm độc lập.

Với các công ty đã vận hành các dịch vụ thanh toán số như ví điện tử, dịch vụ trả sau rõ ràng là một phần mở rộng trải nghiệm cho người dùng. PayPal, Grab, và Shopee là những ví dụ khi bắt đầu triển khai "mua trước, trả sau" để gia tăng mức độ gắn kết khách hàng.

Apple cũng đang trong quá trình phát triển một dịch vụ trả sau của riêng mình mang tên Apple Pay Later. Dịch vụ này sẽ được Apple triển khai dưới sự hợp tác cùng Goldman Sachs để cạnh tranh với các đối thủ lớn khác trên thế giới như Affirm hay AfterPay.

Với động thái nói trên, Apple sẽ mang đến cho người dùng tuỳ chọn trả góp hàng tháng với các giao dịch thanh toán qua Apple Pay.

Mặc dù các thông tin chi tiết chưa được công bố, Apple có tiềm năng tích hợp Apple Pay Later vào hơn 1 tỷ iPhone đang hoạt động trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc Apple có ngay một lợi thế cực kỳ hấp dẫn so với các đối thủ.

Thái Sơn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.