|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam, Philippines và Indonesia nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ dân số được ngân hàng phục vụ thấp nhất thế giới

10:27 | 18/07/2021
Chia sẻ
Theo thống kê của một công ty nghiên cứu Anh, 69% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng.

Trong số 10 quốc gia có tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ cao nhất trên thế giới có tới 3 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia, theo dữ liệu một nền tảng nghiên cứu Anh có tên Merchant Profile công bố.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ trong trong danh sách top 10 quốc gia có tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ cao nhất khi 69% dân số chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc các tổ chức tài chính tương tự. Philippines và Indonesia trong khi đó đứng ở vị trí số 4 và số 9 với tỷ lệ lần lượt là 66% và 51%.

Điểm chung của các quốc gia này là tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao, tỷ lệ sử dụng thẻ thấp và hạn chế các điểm tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví dụ như ATM.

Việt Nam, Philippines và Indonesia nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ dân số được ngân hàng phục vụ thấp nhất thế giới - Ảnh 1.

Top 10 quốc gia có tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ cao nhất. (Nguồn: Merchant Machine, Việt hoá: Thái Sơn)

Thế đang lên của các dịch vụ tài chính số

Ở Đông Nam Á, một nửa dân số chưa tiếp cận được các sản phẩm tài chính. Trong khi đó, có 18% dân số chỉ mới tiếp cận được sản phẩm tài chính đơn giản nhất là tài khoản ngân hàng, theo một báo cáo của Fitch Ratings vào năm 2020.

Thực tế này cộng hưởng với tỷ lệ dân số trẻ và yêu công nghệ đang tạo ra cơ hội lớn để các sản phẩm tài chính điện tử có cơ hội bước vào thị trường và lấp đầy khoảng trống.

Các công ty công nghệ lớn trong khu vực như Grab và GoTo Group (pháp nhân sau sáp nhập của Gojek và Tokopedia) đang bắt đầu hành trình trong mảng công nghệ tài chính (fintech) của mình bằng cách tung ra sản phẩm ví điện tử trước khi mở rộng danh mục dịch vụ cung cấp.

Năm ngoái, Grab thâu tóm Bento Invest, một startup tư vấn đầu tư tự động Singapore. Thương vụ này cho phép Grab triển khai dịch vụ đầu tư trong đó người dùng có thể đầu tư nhiều khoản tiền nhỏ trong khi dùng các dịch vụ khác của Grab. 

Tháng 12 năm ngoái, cùng Singtel, Grab nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng số toàn diện ở Singapore. Đây là một trong những bước tiến quan trọng bậc nhất để Grab hiện thực được tham vọng của mình tại Đông Nam Á.

Grab dự kiến sẽ thực hiện IPO vào cuối năm nay sau khi sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) ở mức định giá gần 40 tỷ USD.

Thị trường fintech bùng nổ

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ dân số được  ngân hàng phục vụ thấp nhất thế giới - Ảnh 2.

(Nguồn: Bain & Company, Google và Temasek, Việt hoá: Thái Sơn)

 Sự tiện lợi của mô hình kinh doanh "siêu ứng dụng" đang đưa Đông Nam Á thành một trong những thị trường fintech tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) của doanh thu dịch vụ tài chính số tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ rơi vào mức 22% từ năm 2019 đến 2025 với giá trị tuyệt tối tăng từ 11 tỷ USD lên đến 38 tỷ USD, theo một nghiên cứu của Bain & Company, Google và Temasek.

Cho tới thời điểm năm 2025, khối lượng vốn chảy qua các ví điện tử ở Đông Nam Á có thể lên tới 138 tỷ USD, tăng từ mốc hiện tại là 39 tỷ USD trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số tiếp tục thúc đẩy người dùng chuyển từ giao dịch tiền mặt sang phi tiền mặt, theo Macquarie Group.

Tại Việt Nam, hồi cuối tháng 1 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những chỉ tiêu quan trọng trong quyết định này là ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030.

Philippines cũng đang có nhiều động thái để mở rộng dịch vụ tài chính trong đó có mục tiêu mở rộng tỷ trọng dân số có tài khoản ngân hàng lên mốc 70% vào năm 2024.

Ở Indonesia, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) ra mắt Kế hoạch Hành động và Lộ trình Sáng tạo Tài chính số 2020 – 2024 hồi tháng 8/2020, trong đó nêu bật một số mục tiêu như cung cấp dịch vụ tài chính chi phí hợp lý, tiện lợi và có thể mở rộng quy mô. Đồng thời, dịch vụ tài chính số phải hỗ trợ công dân Indonesia và mở rộng hoạt động tài chính cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nam Khánh