Châu Á là mảnh đất màu mỡ cho tiền kỹ thuật số pháp định thăng hoa
Đồng tiền pháp định dạng số đầu tiên, đồng nhân dân tệ số của Trung Quốc, đang được thực hiện cho các giao dịch trị giá 300 triệu USD và có thể được chuyển đổi qua tiền mặt tại 3.000 cây ATM ở Bắc Kinh. Dự án này thực tế đã được Trung Quốc triển khai từ năm 2014. Các chuyên gia dự đoán đồng nhân dân tệ số sẽ được Trung Quốc triển khai trên toàn quốc gia sau Olympic mùa đông 2022.
Trong khi Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua tiền pháp định số. Một số quốc gia Châu Á khác cũng đang sẵn sàng nhập cuộc.
Indonesia
Bank Indonesia đang tiến hành nghiên cứu và đánh giá tính khả thi của việc triển khai động rupiah số, Thống đốc Perry Warjiyo chia sẻ trên Instagram vào hôm 30/5. Ngân hàng trung ương nhắc đến 3 điểm cân nhắc chính: đồng tiền số sẽ đóng vai trò là một phương tiện thanh toán pháp định, được phát triển dựa trên công nghệ và sẽ hỗ trợ cho các chính sách của ngân hàng trung ương, bao gồm quản lý nguồn cung tiền tệ của Indonesia.
Indonesia hiện cũng đã có một sàn giao dịch tiền điện tử hợp pháp mang tên gọi Digital Future Exchange. Sàn này là kết quả của hợp tác giữa các công ty đầu tư tài sản mã hóa, bao gồm Pintu, Upbit, Indodax, và Zipmex. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Indonesia ghi nhận 6,5 triệu nhà đầu tư mã hóa. Con số này lớn hơn khá nhiều so với 2,2 triệu nhà đầu tư chứng khoán ghi nhận hồi tháng 3. Người Indonesia cũng khá cởi mở với việc sử dụng ví điện tử trên điện thoại cho các giao dịch hàng ngày.
Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) hồi tháng 6. Nội dung này nằm trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện tại, những thông tin chi tiết về kế hoạch này chưa được công bố song động thái nói trên cho thấy Việt Nam cũng sẵn sàng nghiên cứu và đón nhận công nghệ mới.
Thái Lan
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng baht số cho hoạt động bán lẻ sau khi hợp tác với "ông lớn" thanh toán Đức Giesecke & Devrient. Theo Kr-ASIA, Giesecke & Devrient cũng đang hợp tác với ít nhất 5 ngân hàng trung ương khác để phát triển các đồng tiền số pháp định. Theo một thông báo vào cuối tháng 5, chi phí phát triển dự án này có thể lên tới 10 triệu baht, tương đương 320.000 USD.
Reuters từng cho biết dự án của BoT có thể đã bắt đầu từ quý II năm nay và có thể sẽ được triển khai diện rộng trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.
"Ngay cả khi chưa có nhu cầu ngay lập tức để phát hành một đồng tiền số pháp định cho người dân ở thời điểm hiện tại, điều này có ý nghĩa nếu các đồng tiền số tư nhân được phát hàng và nhận được nhiều sự đón nhận", BoT nói hồi tháng 4.
Cùng thời điểm, Thái Lan đang có nhiều động thái hạn chế các đồng tiền mã hóa phi tập trung. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan phê duyệt quy định mới hồi tháng 6 trong đó cấm các sàn giao dịch địa phương niêm yết hoặc giao dịch các đồng meme coin, NFT (token không thể thay thế) hoặc các đồng token số khác dựa trên blockchain. Đầu tháng 7, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan cũng kiện Binance vì vận hành sàn giao dịch tài sản số tại đây mà không có giấy phép.
Singapore
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đang nghiên cứu và thử nghiệp ý tưởng tiền số pháp định trong nhiều năm trở lại đây.
Ngân hàng trung ương Singapore cũng đã kêu gọi các định chế tài chính, công ty fintech và nhiều công ty quy mô toàn cầu khác đưa ra ý kiến về cách phân phối và phát triển hạ tầng cho tiền số pháp định trong tương lai hồi tháng 6. Dù vậy, MAS chưa công bố khi nào sẽ có một đồng tiền số để sử dụng trên diện rộng.
Năm ngoái, MAS công bố dự án Ubin,một chương trình kéo dài 5 năm thể hiện "nỗ lực do MAS dẫn dắt để tìm hiểu cơ hội dùng công nghệ blockchain và tiền số pháp định do MAS phát hành để thực hiện thanh toán và giao dịch chứng khoán hiệu quả hơn".
Chương trình này thực hiện phát triển các đồng tiền số như XSGD – một đồng stablecoin có giá trị được gắn theo đồng SGD với tỷ lệ 1:1. MAS cũng phát hành đồng tiền số pháp định bán buôn để thực hiện thanh toán liên ngân hàng. Đồng tiền này sẽ không được thị trường đại chúng sử dụng.
Các dự án tiền số pháp định khác tại Châu Á
Tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Quốc gia Campuchia giới thiệu hệ thống thanh toán blockchain Bakong sau khi thực hiện thử nghiệm. Không giống các dự án tiền số pháp định khác, Bakong là một nền tảng do nhà nước quản lý và hỗ trợ hoàn toàn bởi tiền pháp định. Điều này đồng nghĩa với việc mọi giao dịch đều dựa trên tiền gửi USD hoặc đồng riel. Campuchia nhìn nhận Bakong như một nước để hiện đại hóa hệ thống tiền tệ.
Ở Malaysia, ông Suhaimi Ali , giám đốc sáng tạo và phát triển tài chính của Bank Negara Malaysia (BNM), nói rằng ngân hàng đang thử nghiệm một dự án để đánh giá những lợi ích mà tiền số pháp định mang lại song trước hết tập trung vào mảng giao dịch bán buôn. Hiện tại, BNM chưa thực hiện được các dự án tiền số pháp định bán lẻ, Suhaimi nói.
Các công ty công nghệ lớn ở Hàn Quốc như SK, Naver và Kakao đều đang cạnh tranh để trở thành đối tác của Ngân hàng trung ương trong dự án tiền số sẽ khởi động vào tháng 8 tới. Công ty được chọn sẽ dẫn dắt một dự án thử nghiệm kéo dài 8 tháng và ngân sách 4,3 triệu USD.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang đánh giá tính khả thi của việc phát hành, phân phối và sử dụng tiền số pháp định từ tháng 4 năm ngay. Giai đoạn một sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022, theo Reuters.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ chưa chia sẻ các thông tin rõ ràng về một đồng rupee số dù vậy cơ quan này đã nhắc đến tiềm năng ứng dụng tiền số pháp định trong một báo cáo hồi tháng 3.
Tiền số pháp định dần được đón nhận trên toàn cầu
Ngân hàng trung ương trên thế giới đang đi từ nghiên cứu ý tưởng đến thử nghiệm ứng dụng cho loại hình tiền số pháp định. Một báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện hồi tháng 1 cho thấy 86% trong 65 ngân hàng trung hương đang tích cực triển khai một dự án tiền số pháp định nào đó.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng trung ương đại diện cho 20% dân số thế giới nói rằng họ nhiều khả năng sẽ phát hành tiền số pháp định trong vòng 3 năm tới.
Một lợi thế của tiền số pháp định so với tiền số phi tập trung là việc nó được nhìn nhận như một đồng tiền hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc các thành phân kinh tế sẽ chấp nhận nó. Một lợi khác là thanh toán nhanh hơn, phí thanh toán quốc tế thấp hơn và giúp nhiều người có thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hơn.
Dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn sẽ phải giải quyết một số bài toán với tiền số pháp định, ví dụ như tương thích hạ tầng hiện tạo với hạ tầng mới cùng với đó là sự khác biệt giữa tiền số pháo định bán lẻ và bán buôn.