Việt Nam là 'chiến trường' nóng bỏng của ví điện tử, MoMo đang dẫn đầu, bỏ xa á quân ViettelPay
Đông Nam Á là thị trường tăng trưởng nhanh nhất đối với lĩnh vực ví điện tử, xếp sau là khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi – Trung Đông, theo một báo cáo mới công bố của công ty fintech Boku Inc.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép với lưu lượng giao dịch của Việt Nam đạt 29,9% từ năm 2020 đến 2025, cao thứ 14 trong tổng số 32 quốc gia/vùng lãnh thổ có trong khảo sát của Roku.
Số lượng ví điện tử được sử dụng sẽ tăng trưởng 311% từ năm 2020 để chạm mốc 440 triệu vào năm 2025 tại thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi cơn sốt thương mại điện tử tại nhóm quốc gia này. Sử dụng ví điện tử tại Mỹ Latinh cũng sẽ tăng trưởng 166% trong cùng kỳ trong khi đó con số của khu vực Châu Phi – Trung Đông là 147%.
Theo báo cáo của Boku Inc, ví điện tử đã vượt qua thẻ tín dụng để trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất toàn cầu vào năm 2019. Ví điện tử càng phát triển hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tính đến cuối năm 2020, có 2,8 tỷ ví điện tử đang được sử dụng. Dự phóng con số này đến cuối năm 2025 có thể đạt tới mốc 4,8 tỷ ví, tăng trưởng 74%.
Báo cáo của Boku Inc nêu ra hai loại ví điện tử phố biến trên thế giới. Một trong số đó là ví điện tử hoạt động dựa trên thẻ như Apple Pay hay Google Pay. Loại ví này phổ biến hơn ở các thị trường phát triển.
Trong khi đó, loại còn lại là các hình thức ví điện tử "ảo" như Alipay hay GrabPay. Hình thức này được yêu thích hơn ở các quốc gia có tỷ lệ dùng thẻ tín dụng còn thấp.
Việt Nam được dự đoán đã chạm đến thời điểm chín muồi cho tăng trưởng mạnh ở mảng thanh toán di động. Tăng trưởng giao dịch thanh toán di động có thể sẽ tăng hơn 7 lần, trong khi đó số lượng người dùng và giá trị giao dịch sẽ tăng 3 lần.
Hiện tại, MoMo đang là ví điện tử có thị phần lớn nhất ở Việt Nam khi nắm trong tay 53% miếng bánh thị trường. Xếp sau đó là ViettelPay với 25,2% thị phần và AirPay (mới đổi tên thành ShopeePay) với 10,6% thị phần.