Các ví điện tử đồng loạt tạm dừng hoạt động mua hộ vé số sau khi bị Bộ Tài chính 'tuýt còi'
Mới đây, Bộ Tài chính đã thông tin về ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước “không quản lý được thì cấm” đối với việc mua bán vé xổ số online, mua hộ vé số. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, các nghị định của Chính phủ.
Bộ nhấn mạnh hoạt động kinh doanh xổ số chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số.
Theo Bộ Tài Chính, hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh xổ số bao gồm 63 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xổ số truyền thống tại các tỉnh, thành phố và Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) kinh doanh xổ số điện toán trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài Chính nêu rõ theo quy định của pháp luật về kinh doanh xổ số, vé xổ số truyền thống chỉ được phép phân phối thông qua các công ty xổ số kiến thiết (CTXSKT) bằng cách bán trực tiếp cho khách hàng hoặc phân phối qua hệ thống đại lý xổ số có ký kết hợp đồng đại lý với CTXSKT. Đối với vé xổ số điện toán của Vietlott chỉ được phân phối thông qua thiết bị đầu cuối của các đại lý ký kết hợp đồng đại lý với Vietlott và điện thoại (SMS).
Theo Bộ Tài Chính, pháp luật hiện hành không quy định cho phép bán vé số qua internet và việc “mua vé số hộ”. Việc một số tổ chức, cá nhân kinh doanh xổ số qua internet là trái quy định của pháp luật do các đơn vị này không được cấp phép kinh doanh xổ số, phương thức phân phối vé không đúng với quy định.
Ngay sau phản ứng cứng rắn của Bộ Tài Chính, nhiều ví điện tử đã dừng cung cấp dịch vụ mua hộ vé số. Đơn cử, ví điện tử MoMo đã cho ngưng dịch vụ này từ ngày 25/8 cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, MoMo cung cấp dịch vụ mua hộ vé số Vietlott và thu 3% phí trên mỗi vé.
Trao đổi với chúng tôi, phía MoMo cho biết: "Những gì Bộ yêu cầu thì MoMo sẽ làm theo. Hiện tại, MoMo đã ngừng cung cấp dịch vụ mua hộ vé số trên nền tảng".
Với ví điện tử ZaloPay, nền tảng này đã gỡ bỏ dịch vụ mua hộ vé số. Trước đó, ZaloPay đã thông báo dịch vụ mua hộ vé số Vietlott - LuckyBest phải nâng cấp bảo trì hệ thống và tạm ngưng cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian từ ngày 30/8 cho đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, dịch vụ mua hộ vé số LuckyLotter trên ZaloPay đã dừng hoạt động từ ngày 25/8. Ứng dụng này cũng đề nghị khách hàng rút hết tiền từ tài khoản đổi thưởng nếu số dư vẫn còn. Hiện tại, trên ZaloPay, doanh nghiệp này chỉ cung cấp dịch vụ Vietlott SMS, tương tự với các ứng dụng ngân hàng.
Tương tự, ví điện tử VNPay hiện cũng chỉ cung cấp dịch vụ Vietlott SMS đối với các thuê bao của nhà mạng Viettel. Trước đó, hồi tháng 2/2022, VNPay từng giới thiệu tính năng mua hộ vé số trên nền tảng này. Sau phản ứng cứng rắn của Bộ Tài chính, hệ thống Vietlott SMS của VNPay thông báo bảo trì và dự kiến thời gian hoạt động trở lại là ngày 12/9.
Trao đổi với chúng tôi, phía VNPay xác nhận đã dừng dịch vụ mua hộ xổ số và hiện tại chỉ cung cấp dịch vụ Vietlott SMS.
Bộ Tài Chính cho rằng việc bán vé số qua internet và mua vé số hộ gây nhiều khó khăn trong quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu tiên, việc mua hộ vé xổ số truyền thống trong nước, vé xổ số điện toán qua internet gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành thị trường xổ số của cơ quan quản lý.
Lợi dụng danh nghĩa mua hộ vé xổ số, các tổ chức này có thể sẽ tổ chức cho người chơi tham gia dự thưởng trực tiếp để tìm kiếm lợi nhuận, gây thất thu cho ngân sách nhà nước do không phải nộp thuế, chi phí in vé, tổ chức mở thưởng... tương tự như số lô, số đề lợi dụng kết quả xổ số để kinh doanh bất hợp pháp. Do đó, các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất trật tự an toàn xã hội.
Tiếp theo, người mua xổ số qua Internet có thể bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản dự thưởng, bị ép phải chia giải thưởng vì vé do bên mua hộ giữ. Do đó, quyền lợi của người trúng thưởng xổ số không được bảo đảm.
Theo Bộ Tài chính, điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh xổ số, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xổ số của các doanh nghiệp.
Đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín, mất niềm tin của người chơi đối với hoạt động kinh doanh của công ty xổ số kiến thiết do nhà nước là chủ sở hữu trong trường hợp bên mua hộ vé xổ số không thực hiện trả thưởng mà chiếm đoạt số tiền trúng thưởng của khách hàng trúng thưởng.
Thứ ba, trường hợp mua hộ vé Vietlott mà vé trúng giải Jackpot lớn có thể xảy ra khả năng không trả vé cho người trúng thưởng do trang web/ứng dụng biến mất trong khi việc chụp ảnh vé xác nhận chưa phải là bằng chứng để chứng minh việc sở hữu, ảnh hưởng đến uy tín của Vietlott. Ngoài ra, việc nhận giải thưởng hộ còn liên quan đến rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, Bộ Tài chính đã phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xổ số, không để đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua số lô, số đề hoặc phân phối vé xổ số không đúng phương thức.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính có động thái mạnh mẽ với các bên cung cấp dịch vụ thanh toán. Năm 2021, ví điện tử MoMo từng bị Bộ Tài chính "tuýt còi" do cung cấp dịch vụ “đặt 1 ăn 70” với kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc.
Thời điểm đó, MoMo cho biết họ chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, đồng thời hợp tác, hỗ trợ thanh toán cho các đối tác hoạt động hợp pháp.
Ngoài ra, Bộ cũng chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ mua hộ vé số (Vietlott là chủ yếu) của nhiều bên như MoMo, ZaloPay, VietelPay,... Tuy vậy, các giao dịch mua hộ vé số vẫn diễn ra như bình thường cho tới động thái gần đây của Bộ Tài chính.