Apple Pay, ví điện tử và cuộc chiến không tiền mặt tại Việt Nam
Rạng sáng 8/8, Apple Pay bắt đầu khả dụng tại thị trường Việt Nam. Một số thẻ tín dụng/ghi nợ của các ngân hàng trong nước như Sacombank, Teckcombank, VPBank, MB,… đã hỗ trợ cho phép người dùng thêm thẻ vào Apple Pay.
Tại các diễn đàn công nghệ trên Facebook, tương tự các sản phẩm khác của Apple, Apple Pay là chủ đề được thảo luận nhiều nhất. Theo dõi trên Google Trend, từ khoá Apple Pay đã tăng vọt trong sáng 8/8, đứng thứ hai trong số các từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân, một cây viết công nghệ tại Việt Nam cho biết hồi Samsung Pay ra mắt tại Việt Nam, tổ chức sự kiện to nhưng cũng không thấy thu hút mọi người bàn luận sôi nổi như Apple Pay hiện tại.
Điều này chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của dịch vụ Apple Pay tại Việt Nam, mặc dù trước đó, các dịch vụ tương tự như Samsung Pay, Google Pay đã có mặt từ lâu. Theo Google, sự xuất hiện của Apple Pay cũng thúc đẩy người dùng tìm kiếm thêm các từ khoá liên quan như: thẻ tín dụng và thanh toán không tiền mặt.
Apple Pay, Samsung Pay hay Google Pay đều là các hình thức thanh toán không tiền mặt. Trong đó, những dịch vụ này cho phép người dùng thêm thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ (một số dịch vụ cho phép thêm cả thẻ thành viên, khoá từ,… tương tự một ví).
Cách thức hoạt động là sử dụng phương thức giao tiếp không dây, dùng các thiết bị có sẵn ứng dụng Apple Pay/Samsung Pay để kết nối NFC với các máy thanh toán mà không cần dùng thẻ ngân hàng. Việc này giúp hạn chế nguy cơ lộ thông tin thẻ, đồng thời mang lại sự tiện dụng cho người dùng.
Khách hàng vẫn có thể tích điểm từ thẻ tín dụng khi dùng các dịch vụ này. Nói cách khác, Apple Pay hoạt động với tư cách thay thế tấm thẻ ngân hàng vật lý truyền thống. Người dùng ra ngoài không cần mang theo ví, chỉ cần một chiếc smartphone có cài đặt sẵn Apple Pay và địa điểm mua sắm chấp nhận hình thức thanh toán này.
Như vậy, độ thành bại của các dịch vụ như Apple Pay là độ tiện lợi và còn phải tính đến độ phủ các địa điểm có hỗ trợ hình thức thanh toán này.
Tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, theo Apple, các điểm bán hàng như Adidas, CellphoneS, Điện Máy Xanh, Emart, FPT Shop, LOTTE Mart, McDonald’s, Long Châu, Starbucks, Taxi Mai Linh, Thế Giới Di Động, Viettel Store,… cũng như các ứng dụng gồm BAEMIN, Be, Mytour và Shopee,… đã cung cấp khả năng thanh toán bằng Apple Pay.
Apple Pay đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và khu vực, đồng thời hợp tác với hơn 10.000 đối tác ngân hàng trên toàn thế giới.
Sáng 8/8, Mạnh Hùng (kỹ sư làm việc tại Hà Nội) vào Starbucks để mua cà phê trên đường đi làm. Khác với mọi ngày, anh thanh toán 70.000 đồng cho ly cà phê của mình thông qua Apple Pay trên chiếc đồng hồ Apple Watch.
“Khá tiện lợi. Thường ngày mình ít dùng tiền mặt, chủ yếu xài thẻ. Nay có Apple Pay thanh toán trong vài thao tác, nhanh hơn bao nhiêu”, Hùng nói. Theo người kỹ sư này, dù trước đó tại Việt Nam đã có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như QR Code, ví điện tử, song anh vẫn không thấy tiện dụng.
“Dùng ví điện tử hay QR Code bản chất vẫn là thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. Phải vào ứng dụng, kết nối mạng rồi quét mã. Khá lằng nhằng và mất thời gian”, Hùng giải thích.
Theo MoMo định nghĩa, ví điện tử là tài khoản thanh toán các giao dịch trực tuyến như điện nước, học phí, nạp tiền điện thoại, mua vé xem phim,… Ví điện tử hoạt động bằng cách liên kết tài khoản ngân hàng, nạp tiền vào ví và thanh toán bất kỳ dịch vụ có liên kết với công ty phát hành ví.
Người dùng cần có smartphone, mạng internet và tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử để thực hiện giao dịch.
Cùng quan điểm với Hùng, Thái Sơn (nhân viên ngân hàng làm việc tại Hà Nội) cho biết: “Với việc VietQR và ứng dụng ngân hàng ngày càng mở rộng dịch vụ thanh toán hoá đơn thì thật sự mình không còn thấy nhiều ý nghĩa của việc dùng ví điện tử, và thậm chí cả ví vật lý”.
Thực tế, ví điện tử với chức năng chính như một một hình thức thanh toán trực tuyến đơn thuần và ngay lập tức đã không còn chiếm thế thượng phong. Ba tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Decision Lab, ngoại trừ MoMo, các ví điện tử khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VNPay hay Moca đều giảm thị phần so với quý cuối cùng của năm ngoái.
Riêng Zalo Pay, theo Tech in Asia, năm 2021, ví điện tử này đã “đốt” gần 52 triệu USD. Nhưng trong 6 năm qua, công ty chủ quản Zalo Pay thua lỗ liên tiếp. Có thể thấy, các ví vẫn đang loay hoay để tìm ra công thức thành công tại thị trường Việt Nam.
Bởi vậy, ngoài hình thức thanh toán trực tuyến với vai trò là một ví điện tử, tháng 8/2021, MoMo ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau cùng TP Bank cho phép người dùng MoMo vay tới 10 triệu đồng dựa trên điểm xếp hạng tính dụng do MoMo tính toán. Người dùng dịch vụ này không cần chứng minh thu nhập và nhắm đến đối tượng khách hàng chưa dùng thẻ tín dụng.
Năm ngoái, Zalo Pay bắt tay với Funding Societies hướng tới đối tượng đặc thù là khác hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để tham gia vào các mảng cho vay, thanh toán, quản lý chi tiêu và các dịch vụ khác.
Có thể các ví đã nhận ra rằng nếu chỉ dựa riêng mảng thanh toán không tiền mặt thì không thể thành công. "Chiến thuật của chúng tôi được dựa trên thành công của Alipay và WeChat ở Trung Quốc, các dịch vụ này đi từ thanh toán đến cho vay và hơn thế nữa”, CEO MoMo từng trả lời tờ TechCrunch vào năm 2019.
Nếu xét riêng câu chuyện thu hút người dùng xài ví điện tử để trả tiền trực tuyến, các ví này dường như đã hụt hơi trước VietQR - đơn vị cung cấp mã Code chứa thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng. Ngày nay, dễ dàng bắt gặp người bán hàng rong, người bán trà đá vỉa hè hay tiểu thương chợ cóc,…trang bị sẵn các tờ in mã QR Code có thông tin tài khoản ngân hàng để người mua trả tiền chuyển khoản.
Phạm Trang (nhân viên xuất nhập khẩu tại Hà Nội) cho biết: “Khác với giai đoạn đầu muốn thanh toán trực tuyến phải dùng ví điện tử, hiện tại tôi thấy dùng mã QR Code tiện lợi và phổ biến hơn. Ngay cả chợ cóc ven đường cũng có. Cần mã QR Code có tài khoản ngân hàng và ứng dụng ngân hàng là xong”.
Theo Trang, cô chỉ tìm đến ví điện tử mỗi khi muốn săn vé rẻ, được trừ chiết khấu, ưu đãi một dịch vụ nào đó,… chấp nhận hình thức này.
Tuy nhiên, không thể nói ví điện tử hay Apple Pay/Samsung Pay, VietQR bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thực tế cho thấy các dịch vụ như Apple Pay vẫn còn nhiều điểm hạn chế.
Mặc dù từ sáng 8/8 nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã hỗ trợ Apple Pay nhưng không phải là tất cả. Một số ngân hàng đã hỗ trợ nhưng cũng tuỳ loại thẻ mới có thể liên kết. Trong khi đó, các ví điện tử như MoMo hay Zalo Pay đã kết nối với gần như tất cả các ngân hàng nội địa.
Trên chính thiết bị của Apple, theo những người dùng tại Việt Nam phản ánh, hiện vẫn chưa thể mua hàng trực tuyến thông qua Apple Pay. Trong khi MoMo lại là hình thức thanh toán trực tuyến có mặt từ rất sớm trên Apple. Ví điện tử này cũng là phương thức thanh toán đầu tiên khi Apple Store online mở tại Việt Nam hồi đầu năm nay.
Thành Vũ (nhân viên truyền thông tại TP HCM) phản ánh hiện tại Apple Pay vẫn chưa thể sử dụng trong hệ thống Highlands Coffee - chuỗi đồ uống có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Thành cho biết: “Ví điện tử như một super app, tiện ích gì cũng có. Trong khi Apple Pay chỉ thay thế thẻ ngân hàng vật lý, đỡ phải đem theo. Ngoài ra, Apple Pay cũng không có voucher như ví điện tử. Do đó, để lựa chọn, tôi vẫn sẽ thích dùng ví điện tử hơn”.
Nói thêm, Apple Pay cũng không dừng lại ở dịch vụ lưu trữ thẻ trung gian. Năm 2019, Apple đã bắt tay với Goldman Sachs cùng Mastercard để ra mắt thẻ tín dụng Apple Card tích hợp trong Apple Pay.
Apple Card là thẻ tín dụng hoàn lại tiền, hoàn lại 2% tiền mặt cho tất cả các giao dịch mua khi bạn thanh toán bằng Apple Pay, hoàn lại 1% khi bạn thanh toán bằng thẻ vật lý và hoàn lại tiền 3% khi mua hàng trực tiếp từ Apple. Apple Card được chấp nhận thanh toàn trên toàn thế giới.
Trong dịp ra mắt Apple Pay lần này, Apple vẫn để ngỏ triển khai thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam.
Như vậy, với sự tham gia của tân binh Apple Pay, lĩnh vực thanh toán không tiền mặt của Việt Nam thêm sôi động và giới quan sát mong chờ được chứng kiến thêm nhiều câu chuyện cạnh tranh hay trong thị trường này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/