Mobile Money - Đối thủ mới của ví điện tử tại Việt Nam?
Tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money) trong thời gian hai năm. Quyết định này bật đèn xanh để các nhà mạng có thể triển khai dịch vụ Mobile Money của riêng mình.
Nếu như đối với ví điện tử, quy định hiện tại yêu cầu người dùng phải liên kết với một tài khoản thanh toán tại ngân hàng, Mobile Money có thể sử dụng chỉ cần tài khoản số điện thoại di động, ngay cả khi họ không dùng smartphone. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dân số "chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ" ở Việt Nam lên tới 70% trong tổng số 97 triệu dân, theo TechInAsia.
Các nhà mạng lớn ở Việt Nam đã chờ đợi quyết định thí điểm nói trên suốt một thời gian dài. Những cái tên như Viettel, VNPT hay Mobifone đều cần một động lực tăng trưởng mới ở mảng công nghệ tài chính (fintech) trong bối cảnh mảng viễn thông đã đạt đỉnh và bão hoà.
Quyền lực ẩn
Hồi tháng 1, Viettel công bố nhận diện thương hiệu và slogan trong nỗ lực chuyển đổi từ một nhà mạng truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel kỳ vọng có thể hấp dẫn hơn đối với người dùng trẻ và yêu thích công nghệ.
Cuộc cách mạng này thực tế đã xảy ra nhiều năm trước đó.
Quay lại năm 2018, Viettel ra mắt ViettelPay, bước chân đầu tiên của hãng ở mảng thanh toán số. ViettelPay cho phép người dùng thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, mua vé cùng nhiều dịch vụ khác tương tự như các "siêu ứng dụng" địa phương khác như MoMo hay ZaloPay.
Dù không cạnh tranh mạnh mẽ thông qua khuyến mại và giảm giá, năm 2020, ViettelPay là ứng dụng thanh toán nhận tải về nhiều thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau MoMo, theo ước tính của App Annie.
ViettelPay đạt mốc có 9 triệu người dùng vào năm 2020, thấp hơn so với con số 23 triệu người dùng của MoMo đầu năm nay. Dù vậy, với Mobile Money, Viettel có cơ hội rất lớn để vượt qua đối thủ.
Mobile Money có thể tiếp cận với gần 70 triệu thuê bao Viettel. Nhà mạng lớn nhất Việt Nam nói rằng mục tiêu là duy trì cả mảng dịch vụ số và Mobile Money trong hệ sinh thái của mình để tiếp cận với khách hàng ở cả vùng sâu vùng xa.
Trong giai đoạn thí điểm, hạn mức giao dịch tháng với Mobile Money là 10 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với hạn mức 100 triệu đồng của ví điện tử. Điều này thể hiện rõ kỳ vọng của các nhà điều hành rằng Mobile Money sẽ được dùng cho các giao dịch hàng ngày có giá trị thấp.
Tôi nghĩ ngành công nghiệp nói chung sẽ hưởng lời vì Mobile Money thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dùng. Người dùng ở Việt Nam sẽ quyết định giải pháp nào tiện lợi nhất.
Ông Marek Forysiak, chủ tịch hội đồng quản trị SmartPay
Cạnh tranh với ví điện tử đơn thuần
"Rõ ràng là ba nhà mạng lớn ở Việt Nam sẽ có lợi thế cung cấp dịch vụ Mobile Money đầu tiên vì các đối thủ fintech chưa có giấy phép", ông Đoàn Bảo Huy, chuyên gia fintech từ đại học RMIT chia sẻ.
Về mặt công nghệ, các công ty fintech có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, họ cần có giấy phép, bên cạnh giấy trung gian thanh toán, để triển khai dịch vụ mạng viễn thông. Đây thực tế là một nhiệm vụ không dễ để triển khai.
Thôi thúc bởi đại dịch COVID-19, nhu cầu thanh toán số đang nhảy vọt. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã chạm mốc 919 triệu trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng gần 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Forysiak của SmartPay không coi Mobile Money là mối đe doạ với các nhà cung cấp ví điện tử dù "có những cạnh tranh ở một số trường hợp cụ thể".
SmartPay là một ví điện tử của SmartNet, một công ty có trụ sở tại TP HCM chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và bảo hiểm. SmartPay chủ yếu hướng đến các nhà cung doanh nhỏ và hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng nếu họ chưa có.
"Tôi không nhận thấy Mobile Money hơn hay kém tiện lợi hơn ví điện tử. Nếu có, nhà cung cấp ví điện tử có dịch vụ rộng hơn", ông chia sẻ với TechInAsia.
Ở Việt Nam, tiền mặt vẫn chiếm tới 70% số lượng giao dịch. Mặc dù chuyển đổi sang phi tiền mặt hoàn toàn vẫn là một mục tiêu dài hạn trong tương lai, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính hay nhà mạng đều phải tìm đến các dịch vụ tài chính khác như cho vay hay bảo hiểm để đảm bảo phát triển bền vững.
Ví điện tử không thể liên tục "đốt tiền" cho giảm giá. Ông Zennon Kapron, giám đốc công ty tư vấn công nghệ tài chính Kapronasia, nhận định các công ty cần chuyển đổi từ hình thức "giảm giá" sang "bình thường hoá" trong mô hình kinh doanh của mình.
"Doanh thu từ phí thanh toán đang giảm trên toàn Châu Á và người mua lẫn người bán đều muốn có thêm các dịch vụ giá trị gia tăng từ các nhà cung cấp dịch vụ. Các ví điện tử đơn thuần sẽ không thể tồn tại trong tương lai", vị chuyên gia nhận định.
Một báo cáo từ BCG tung ra vào tháng 5/2020 cho thấy ví điện tử mới được khoảng 13% dân số thành thị "chưa được ngân hàng phục vụ" của Đông Nam Á sử dụng. Ở Việt Nam, các quy định chặt chẽ hơn còn khiến người dùng "chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng" khó tiếp cận ví điện tử.
Do đó, có khả năng các nhà mạng và các công ty fintech ở Việt Nam sẽ hợp tác cùng nhau. "Nhà mạng có dữ liệu lớn vì trung bình một người Việt Nam có 1,3 tài khoản di động", ông Huy Đoàn từ Đại học RMIT nói. "Các công ty fintech có thể hợp tác với nhà mạng để cải thiện trải nghiệm khách hàng".
Ở chương trình thí điểm, nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money không được phép cung cấp các dịch vụ tài chính khác như cho vay hay tài trợ đến người dùng. Thực tế này có thể khiến người dùng ở các khu vực nông thôn thiếu động lực sử dụng.
Tuy nhiên, ba nhà mạng lớn ở Việt Nam đều đã có ví điện tử. Họ có thể chuyển đổi từ người dùng Mobile Money chưa có tài khoản ngân hàng sang thành các khách hàng của ngân hàng và sử dụng thêm dịch vụ khác.