|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hệ sinh thái G-Group xung quanh ví điện tử vừa gọi vốn 425 tỷ đồng: Sở hữu những cái tên hot Gapo, Tima, Beatvn

11:34 | 20/01/2021
Chia sẻ
Ví điện tử Gpay thuộc G-Group vừa gọi vốn thành công 18,4 triệu USD vòng Series A và muốn xây dựng nền tảng người dùng trên hệ sinh thái khách hàng có sẵn của Tập đoàn.

Mới được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ tháng 4/2020, nhưng ví điện tử Gpay đã nhanh chóng huy động vòng gọi vốn Series A trị giá 18,4 triệu USD ngay hôm 19/1 từ KB Financial Group.

KB Financial Group sẽ rót vốn vào Gpay thông qua Công ty Chứng khoán KB (KB Securities). Theo công bố, KB Financial Group là tổ chức tài chính có tổng tài sản 520 tỷ USD. 

Khoản đầu tư của Tập đoàn Hàn Quốc sẽ nhằm mục đích xây dựng người dùng trên hệ sinh thái sẵn có của Gpay.

Thương hiệu ví điện tử Gpay nằm trong hệ sinh thái của G-Group, một Tập đoàn kinh doanh trên nền tảng số được thành lập vào năm 2016. Hiện tại G-Group có 8 thành viên, với nhiều thương hiệu tương đối quen thuộc với người dùng internet. Tập đoàn tuyên bố hiện phục vụ hơn 20 triệu khách hàng. Đây có thể sẽ là nền tảng để Gpay có thể cạnh tranh với các đối thủ khác.

Hệ sinh thái xung quanh ví điện tử vừa gọi vốn 425 tỷ đồng: Từ game, mạng xã hội cho tới nền tảng vay ngang hàng - Ảnh 1.

Tima nhận đầu tư 3 triệu USD từ quỹ ngoại (Ảnh: Tima).

Một trong những công ty ra đời đầu tiên trong hệ sinh thái G-Group là Tima, nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) với số vốn đầu tư ban đầu 150 tỷ đồng. Với cơ chế hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, những người đăng kí xin vay sẽ trực tiếp hiển thị trên nền tảng, qua đó sẽ giúp những người cho vay gia tăng cơ hội kết nối.

Tháng 10/2018, Tima công bố vòng gọi vốn Series B thành công với giá trị 3 triệu USD từ Quỹ Belt Road Capital Management (BRCM). Ở vòng gọi vốn này, Tima được định giá gần 500 tỷ đồng. Hiện tại công ty có 41 cửa hàng trên toàn quốc.

Năm 2019, G-Group cũng công bố lễ ra mắt mạng xã hội Gapo và là một trong ba mạng xã hội gốc Việt ra mắt đình đám trong năm đó (cùng với Lotus, Hahalolo). Gapo đặt mục tiêu 50 triệu người dùng vào năm 2021

Trong phiên chất vấn Quốc hội vào tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiết lộ Gapo có 6 triệu tài khoản trong khi Lotus có 3 triệu. Nhìn toàn cảnh hơn, Việt Nam có 96 triệu tài khoản tại 800 mạng xã hội.

Tuy nhiên theo ghi nhận sáng hôm 20/1, ứng dụng Gapo đã biến mất bí ẩn trên kho ứng dụng CH Play dành cho các điện thoại Android. Ứng dụng vẫn xuất hiện trên kho ứng dụng của máy iPhone chạy hệ điều hành iOS.

Hệ sinh thái xung quanh ví điện tử vừa gọi vốn 425 tỷ đồng: Từ game, mạng xã hội cho tới nền tảng vay ngang hàng - Ảnh 2.

Mạng xã hội Gapo hiện không thể tìm thấy trên kho ứng dụng của Android (Ảnh: Chụp màn hình).

Một thành viên khác của G-Group là cộng đồng Beatvn. Beatvn sở hữu nhiều fanpage và nhóm cộng đồng với hàng triệu thành viên. Ngoài Facebook, Beatvn còn hoạt động trên nền tảng YouTube và Instagram. Tổng cộng, Beatvn tuyên bố có tới 15 triệu thành viên trong các nhóm cộng đồng và fanpage của mình.

G-Group cũng có một công ty chuyên về mảng game, esport là GTV. GTV hiện trực tiếp quản lý nhiều game thủ thuộc nhiều dòng game khác nhau. Những game thủ sẽ thi đấu và livestream trên các nền tảng, và trực tiếp thu hút người xem. 

GTV là một công ty tương đối có sức ảnh hưởng trong cộng đồng game đế chế (aoe) và chính GTV thời gian đầu cũng phát triển trên nền tảng của các game thủ đế chế mà Chim Sẻ Đi Nắng là một trong những ví dụ tiêu biểu.

Ngoài các mảng mạng xã hội, ví điện tử, game, cho vay ngang hàng... G-Group hiện phát triển thêm mảng trí thông minh nhân tạo (G-Innovations); dịch vụ giám sát thông tin (VSEC) và đầu tư (GCapial).

Tiểu Phượng