|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh

07:16 | 31/12/2020
Chia sẻ
Cuộc cạnh tranh thị phần ví điện tử nội địa tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cái tên mới gia nhập, qua đó phần nào khiến thị trường thêm phân mảnh.
Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 1.

Tính đến 15/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ghi nhận 39 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép làm dịch vụ trung gian thanh toán. 11 tổ chức được cấp phép trong năm 2020.

Trong số đó, một số tổ chức làm ví điện tử đã nhận giấy phép từ trước, như Viettelpay (cấp phép lần 3) và VIDIVA (cấp phép lần 2).

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 1.

Thị trường ví điện tử Việt tiếp tục phân mảnh với 9 cái tên mới được cấp phép (Ảnh: Angko).

Ở nhóm các tổ chức được cáp phép lần đầu, có một số cái tên đáng chú ý như Airpay (nằm trong hệ sinh thái của SEA với Garena, Shopee, Now và Giao Hàng Tiết Kiệm); GPay (nằm trong hệ sinh thái của G_Group với mạng xã hội  Gapo, cộng đồng Beatvn, công ty fintech Tima) hay thậm chí FPT Telecom cũng bắt đầu được cấp phép trung gian thanh toán/ví điện tử.

Nhóm doanh nghiệp còn lại được cấp phép làm dịch vụ tổ chức trung gian thanh toán/ví điện tử trong năm 2020 hầu hết đều là các công ty startup: True Money; Connexion; 1Fintech; Ctin Pay và Appotapay.

Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp tư nhân với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3/2020, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết công ty hiện có nhu cầu phát hành ví điện tử và đề nghị Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện.

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 3.

Sự tiện lợi đã khiến ví điện tử được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau trong đời sống thường ngày. Một báo cáo đầu năm 2020 của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo chỉ ra rằng ví điện tử đã tham gia nhiều vào khâu thanh toán gọi xe, chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn định kì, thanh toán định kì.

Trong số đó, Moca đang tương đối nổi bật ở khâu thanh toán tiền gọi xe công nghệ và giao đồ ăn khi bắt tay với Grab. Sau Grab, các ứng dụng khác cũng đã dần chuyển dịch từ thanh toán tiền mặt sang phi tiền mặt thông qua ví điện tử.

Đầu năm 2020, be chấp nhận thanh toán qua Momo, và sau đó là SmartPay. Trong khi đó sau khi hợp nhất thương hiệu đầu tháng 8/2020, Gojek cũng có những động thái thâu tóm ví điện tử WePay của VCCorp.

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 2.

Gojek bắt đầu tham chiến bằng cách mua lại ví điện tử WePay (Ảnh: Gojek Việt Nam).

Nhiều ví điện tử cũng nhanh chóng bắt tay với các sàn thương mại điện tử để trở thành một đối tác, qua đó gia tăng sức mạnh của nhau. Có thể kể đến việc Airpay bắt tay với Shopee, eM (ví eMonkey thuộc hệ sinh thái Ant Group) với Lazada hay Momo và ZaloPay với Tiki. 

Một sàn thương mại điện tử lớn khác là Sendo hiện đang nằm trong hệ sinh thái của FPT. Hiện tại người dùng Sendo vẫn có thể thanh toán qua ví Senpay.

Đây đều là 4 sàn thương mại điện tử bán hàng đa ngành lớn nhất tại Việt Nam, theo bản đồ thương mại điện tử của iPrice.

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 5.

Số liệu mà Ngân hàng Nhà nước công bố vào tháng 5/2020 cho thấy tổng giao dịch qua kênh mobile trong năm 2019 tăng 198% đạt 418 triệu lượt. Tổng giá trị giao dịch lên đến 21,92 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy xu hướng thanh toán di động đang tăng nhanh tại Việt Nam.

Với riêng ví điện tử, sự ẩn danh là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên theo quy định mới, người dùng ví điện tử buộc phải cập nhật và xác nhận thông tin khách hàng.

Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN quy định: Chủ ví điện tử phải cung cấp, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ ngày trước ngày 7/7/2020.

Trường hợp người dùng không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin hồ sơ, các ví điện tử sẽ tạm khóa tài khoản khách hàng. Số tiền trong ví vẫn sẽ được bảo toàn và có thể rút về tài khoản ngân hàng.

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 6.

Momo là một trong những ví điên tử đầu tiên tại Việt Nam. Trong các báo cáo nghiên cứu thị trường, Momo cũng nằm trong danh sách các ví điện tử chiếm thị phần lớn. Về thời gian sử dụng của người dùng, Momo dẫn đầu trong nhóm ví điện tử, theo khảo sát của Qandme.

Tháng 9/2020, ví điện tử Momo đã công bố việc chạm mốc 20 triệu tài khoản với tốc độ tăng trưởng tốt trong 5 năm gần nhất. Thời điểm năm 2015, Momo mới có 500.000 người dùng.

Ví điện tử Việt 2020: 9 cái tên mới, siết tính ẩn danh và thị trường tiếp tục phân mảnh - Ảnh 7.

Cũng giống như ngành gọi xe công nghệ, phần lớn ví điện tử tại Việt Nam hiện vẫn đang chưa có lãi. Điều này một phần đến từ thị trường ví điện tử Việt Nam tương đối phân mảnh với nhiều cái tên cùng nhăm nhe chiếm lấy miếng bánh thị phần.

Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh buộc phải tung ra các ưu đãi, khuyến mãi để lôi kéo người dùng, qua đó tăng trưởng giành thị phần.

Trung Quốc là một thị trường mà mô hình ví điện tử tương đối thành công. Tại đó, gần như chỉ có hai ví điện tử đang thống trị thị trường là WeChatPay của Tencent và Alipay của Ant Group (công ty liên kết với Alibaba). Chính vì thế, rất có thể các ví điện tử Việt sẽ phải tiếp tục cạnh tranh tới khi thị trường chỉ còn số ít cái tên trụ đến cuối cùng.