|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Fintech mất dần sức hút

07:01 | 12/07/2024
Chia sẻ
Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech ở Đông Nam Á đã giảm 25% trong nửa đầu năm 2024.

Theo báo cáo mới từ nền tảng dữ liệu Tracxn, vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Fintech ở Đông Nam Á tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech giảm 25%, chỉ còn 899 triệu USD so với 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2023. Đây là nửa năm có mức đầu tư thấp nhất trong ba năm qua.

 Biển quảng cáo của Zalopay tại một hầm gửi xe ở TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ).

Phần lớn vốn đầu tư, khoảng 556 triệu USD (chiếm 61,8% tổng vốn), được huy động trong quý I/2024. Môi trường gọi vốn gặp nhiều thách thức do lãi suất tăng, xung đột địa chính trị, lo ngại về định giá các startup Fintech và nhu cầu suy giảm.

Sự sụt giảm này diễn ra ở cả giai đoạn hạt giống và giai đoạn sau. Vốn đầu tư giai đoạn hạt giống, bao gồm vòng gọi vốn hạt giống và thiên thần, giảm 53% xuống còn 42,5 triệu USD trong nửa đầu 2024, so với 90 triệu USD cùng kỳ năm 2023.

Giai đoạn sau, bao gồm các vòng gọi vốn từ Series C trở đi, vốn cổ phần tư nhân và vòng gọi vốn trước IPO, cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Tại Việt Nam, báo cáo từ quỹ Nextrans đánh giá lĩnh vực Fintech là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm trong năm ngoái. Cụ thể, đây là lĩnh vực dẫn đầu thị trường về dòng vốn đầu tư khi thu hút khoản đầu tư cao nhất là 138 triệu USD, tiếp theo là Healthtech với 119 triệu USD. Thương mại điện tử, bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã giảm mạnh tỷ lệ từ 31% xuống còn 8% tổng số vốn và đứng vị trí thứ 4 về tỷ lệ tổng vốn đầu tư.

Tuy vậy, năm ngoái chứng kiến sự sụt giảm của ngành Fintech Việt cả về tổng số vốn huy động được và số lượng các thương vụ. Chỉ có 132,7 triệu USD được huy động thông qua 10 khoản đầu tư, con số này bao gồm cả vòng huy động đầu tư chiến lược của Trusting Social, trị giá 105 triệu USD.

Sự vắng bóng của các vòng gọi vốn giai đoạn sau từ các doanh nghiệp Fintech lớn so với năm trước đã góp phần làm cho tổng số vốn huy động được năm nay khá thấp. Ngoài ra, sự thiếu vắng các kỳ lân mới, các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), và các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã dẫn đến sự thận trọng gia tăng của các nhà đầu tư.

Thành Vũ

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.