Fintech Việt hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm
Theo báo cáo toàn cảnh đầu tư năm 2023 do quỹ Nextrans Việt Nam xuất bản, cho thấy bối cảnh đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đang có sự nổi lên của Fintech (Công nghệ tài chính).
Đây là lĩnh vực dẫn đầu thị trường về dòng vốn đầu tư khi thu hút khoản đầu tư cao nhất là 138 triệu USD, tiếp theo là Healthtech với 119 triệu USD. Thương mại điện tử, bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã giảm mạnh tỷ lệ từ 31% xuống còn 8% tổng số vốn và đứng vị trí thứ 4 về tỷ lệ tổng vốn đầu tư.
Dịch vụ tài chính số tại Việt Nam hiện đang đứng trên "4 cột trụ" là thanh toán số, cho vay số, bảo hiểm số và quản lý tài sản số.
Trong những năm qua, các lĩnh vực này đều cho thấy sự tăng trưởng bền vững với chỉ số CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) trung bình ở mức hai con số.
CAGR là một thước đo thường được sử dụng để biểu thị tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm của một khoản đầu tư chẳng hạn, trong một khoảng thời gian nhất định, với giả định rằng lợi nhuận được tái đầu tư vào cuối mỗi năm.
CAGR giúp đo lường sự tăng trưởng, cung cấp một cái nhìn tổng quan rõ ràng hơn về sự phát triển dài hạn.
Trong 4 "cột trụ", lĩnh vực quản lý tài sản số cho thấy tốc độ tăng trưởng CAGR lớn nhất, ở mức 59%, trong khi cho vay số cũng đang thể hiện tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 39%.
Sự dẫn đầu của lĩnh vực quản lý tài sản số hoàn toàn có cơ sở. Theo HSBC, nhóm thu nhập trung bình cao, với mức thu nhập từ 50-100 USD/ngày, được dự báo sẽ tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là 17% cho đến năm 2030. Sự tăng trưởng này sẽ góp phần làm tăng nhu cầu về các dịch vụ tài chính hiệu quả và có chi phí hợp lý.
Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này như Infina và Finhay, giúp khách hàng đầu tư và mở rộng tài sản thông qua giao dịch chứng khoán tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, thị trường quản lý tài sản cá nhân đang trải qua sự cạnh tranh khốc liệt với sự hiện diện của khoảng 50 ngân hàng truyền thống và doanh nghiệp Fintech, như DigiTrade (MB Bank) và Techcombank Private (Techcombank).
Song, các công ty Fintech có thể tận dụng xu hướng này bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để đưa ra các dự đoán chính xác và quản lý danh mục đầu tư một cách hiệu quả, qua đó giải quyết vấn đề thiếu niềm tin vào các tổ chức tài chính truyền thống.
Bên cạnh sự tăng trưởng ở các lĩnh vực, báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn từ 2018 đến 9 tháng đầu năm 2022, số lượng các công ty Fintech hoạt động tại thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Từ con số 144 công ty của năm 2018, lên 263 công ty tính trong 9 tháng đầu năm 2022.
Lý giải cho sự tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng này, báo cáo nêu ra hai yếu tố chính. Đầu tiên làViệt Nam có lợi thế về nhân khẩu học, với hơn 70,3% dân số có truy cập internet. Hơn nữa, dự báo cho thấy rằng đến năm 2028, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh sẽ vượt quá 74 triệu, chiếm hơn 85% dân số. Với lượng sở hữu điện thoại thông minh rộng rãi, sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại và tiện lợi.
Theo Khảo sát Thái độ Thanh toán Tiêu dùng của Visa năm 2022, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về thái độ tích cực đối với thanh toán không dùng tiền mặt, cho thấy sự phát triển nhanh chóng của việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số.
Sự tích hợp công nghệ tiên tiến đã tăng khối lượng giao dịch thanh toán kỹ thuật số, tăng hơn 60% trong 9 tháng đầu năm 2023, nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng và sự phổ biến của mã QR. Xu hướng này được dự đoán sẽ tăng tốc khi ngân hàng nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn.
Tuy Fintech là mảng sáng nổi bật trong bức tranh đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, song năm ngoái chứng kiến sự sụt giảm của ngành Fintech Việt cả về tổng số vốn huy động được và số lượng các thương vụ. Chỉ có 132,7 triệu USD được huy động thông qua 10 khoản đầu tư, con số này bao gồm cả vòng huy động đầu tư chiến lược của Trusting Social, trị giá 105 triệu USD.
Sự vắng bóng của các vòng gọi vốn giai đoạn sau từ các doanh nghiệp Fintech lớn so với năm trước đã góp phần làm cho tổng số vốn huy động được năm nay khá thấp. Hơn nữa, sự thiếu vắng các kỳ lân mới, các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), và các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã dẫn đến sự thận trọng gia tăng của các nhà đầu tư.
Do đó, các startup Fintech cần ưu tiên tối ưu hóa hoạt động và đạt được hiệu quả chi phí để đáp ứng các tiêu chí cấp vốn khắt khe hơn do các nhà đầu tư đặt ra ở các giai đoạn phát triển tiếp theo.
70% doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam hiện nay là các startup, trong đó 48% hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, cung cấp các giải pháp thanh toán số với những ví điện tử nổi tiếng như Momo và ZaloPay, lần lượt chiếm 68% và 53% thị phần.
Mặc dù dẫn đầu nhưng hai công ty này vẫn chưa đạt được mức độ phổ biến như Alipay hay WeChat Pay, những hình mẫu của ví điện tử, tại thị trường Trung Quốc. Để phát triển, các ví điện tử phải tiến xa hơn chức năng thanh toán. Điều này giải thích tại sao ZaloPay và MoMo đã giới thiệu các tính năng như mua trước, trả sau (BNPL) trong vòng hai năm qua.
Bên cạnh việc cạnh tranh thị phần, các startup Fintech đã gặp phải thách thức trước sự tham gia của các ngân hàng truyền thống vào cuộc cạnh tranh chuyển đổi số.
Trong khi các siêu ứng dụng Fintech nhằm mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua các dịch vụ tích hợp, các ngân hàng truyền thống đang tận dụng công nghệ để cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, chuyển đổi khả năng số để đáp ứng nhu cầu khách hàng đang thay đổi, và cung cấp các trải nghiệm khác biệt để thu hút khách hàng mới.
Nhiều ngân hàng Việt Nam đã đạt được 90% giao dịch thực hiện qua các kênh số, vượt qua kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 70% vào năm 2025.
Trong bối cảnh các ngân hàng truyền thống đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, các công ty Fintech vẫn có thể bắt tay với hệ thống ngân hàng để áp dụng công nghệ vào dịch vụ của mình bằng cách tích hợp các giao diện lập trình ứng dụng (API).