|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vượt qua thẻ tín dụng, ví điện tử được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong năm qua, thị trường Đông Nam Á đứng đầu về tăng trưởng

11:03 | 14/07/2021
Chia sẻ
Dự kiến số lượng ví điện tử khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 311% đạt 440 triệu đơn vị trong giai đoạn 2020 - 2025.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ Boku Inc (London) cho biết Đông Nam Á đang là khu vực mà thị trường ví điện tử phát triển nhanh nhất thế giới, tiếp theo là các khu vực châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, số lượng ví điện tử được sử dụng tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 311%, đạt 440 triệu đơn vị, qua đó phản ánh sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử. Mức tăng trong cùng kỳ ở khu vực châu Mỹ Latinh là 166%, trong khi ở châu Phi và Trung Đông sẽ tăng 147%.

Thị trường ví điện tử ở Đông Nam Á phát triển nhanh nhất thế giới, có thể đạt 440 triệu đơn vị vào năm 2025 - Ảnh 1.

Khu vực Đông Nam Á là nơi có sự phát triển nhanh nhất về thị trường ví điện tử. (Ảnh: PagBrasil).

Theo báo cáo, ví điện tử đã vượt qua thẻ tín dụng để trở thành loại hình thanh toán được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu vào năm 2019. Đại dịch COVID-19 cũng vô tình trở thành yếu tố thúc đẩy sự phổ biến của ví điện tử. Đã có hơn 2,8 đơn vị ví điện tử được sử dụng vào cuối năm 2020, con số đó dự kiến sẽ tăng 74% lên 4,8 tỷ vào cuối năm 2025.

Nghiên cứu cho thấy có hai loại ví điện tử khác nhau trên thế giới. Một là ví điện tử dựa trên thẻ như Apple Pay và Google Pay, phổ biến ở các thị trường phát triển. Loại ví còn lại là các ví điện tử có giá trị được lưu trữ như AliPay của Trung Quốc và GrabPay của Grab Holding Inc., phổ biến ở các thị trường mới nổi, nơi mức sử dụng thẻ tín dụng thấp hơn.

Năm 2020, có 55 ví điện tử có giá trị được lưu trữ đã xử lý hơn 1 tỷ USD giao dịch. Ví điện tử SadaPay của Pakistan được dự đoán là ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới trong 5 năm cho đến năm 2025, tiếp theo là Mercado Pago và PicPay ở Brazil.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các loại ví điện tử ở Trung Quốc có ít tác động tới các thị trường bên ngoài lãnh thổ nước này. Thậm chí kể cả khi Alipay của Ant Group Co., nắm cổ phần trong các công ty quốc tế bao gồm nền tảng tiền di động bKash Ltd. và WeChat Pay của Tencent Holdings Ltd., ứng dụng đã nhận được sự chấp thuận để sử dụng ở Indonesia vào năm 2020.

"Có vẻ như các loại ví điện tử ở Trung Quốc sẽ không thể chinh phục được nhiều thị trường mởi nổi ở châu Á như mọi người nghĩ", báo cáo cho biết thêm rằng việc sử dụng các loại ví điện tử của Trung Quốc ở nước ngoài hầu hết chỉ giới hạn trong các khách du lịch tới từ quốc gia này.

Quốc Anh