|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

4 trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán

08:00 | 22/05/2024
Chia sẻ
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán là theo thỏa thuận, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, khi có sai sót và khi có yêu cầu của một trong các chủ tài khoản chung.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. 

Cụ thể, Nghị định 52 cho biết tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong 4 trường hợp: theo thỏa thuận từ trước, khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng; khi phát hiện nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có vào tài khoản khách hàng hoặc thực hiện yêu cầu hoàn trả do nhầm lẫn, sai sót; khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung. 

Việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện trong 4 trường hợp: theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền; khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn và khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả chủ tài khoản thanh toán chung. 

Ngoài ra, Nghị định 52 cũng nêu rõ trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định 52 cho biết việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ; chủ tài khoản là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết; tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động; chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo Điều 8 trong Nghị định 52; những trường hợp thỏa thuận trước và các trường hợp khác. 

Số dư sau khi đóng tài khoản sẽ được chi trả cho chủ tài khoản hoặc thực hiện theo thỏa thuận từ trước. Trường hợp nếu chủ tài khoản mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ chi trả cho người đại diện hoặc người giám hộ. Ngoài ra, số dư cũng có thể được chi trả theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 

Trường hợp người thụ hưởng không đến nhận, số dư sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8 trong Nghị định 52 đã nêu một loạt hành vi bị cấm. Theo đó, không được sửa chữa, tẩy xóa phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán, làm giả chứng từ thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng và sử dụng phương tiện thanh toán giả. 

Ngoài ra, Nghị định cũng nghiêm cấm hành vi xâm nhập, tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, thay đổi trái phép phần mềm, dữ liệu sử dụng trong thanh toán và lợi dụng lỗi hệ thống để trục lợi.

Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc Sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; tiết lộ, cung cấp thông tin về số dư tài khoản trái pháp luật cũng là những hành vi bị cấm. 

Ngoài ra, các hành vi như mở thẻ nặc danh, mạo danh, mua bán cho thuê, mở hộ thẻ, … phát hành các dịch vụ, phương tiện thanh toán trái phép, cung ứng dịch vụ khi chưa được cấp phép, tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi, … cũng bị nghiêm cấm trong Nghị định 52. 

Minh Quang