|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Mua trước trả sau' hâm nóng thị trường fintech tại Việt Nam

07:53 | 04/01/2022
Chia sẻ
Việt Nam đang có trên dưới 10 công ty hoạt động cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" và hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường nóng của dịch vụ này.

Tháng 8 năm 2021, nền tảng công nghệ tài chính (fintech) Indonesia Kredivo, mở rộng mảng cho vay trực tuyến sang Việt Nam dưới hình thức "mua trước, trả sau" ("Buy now, Pay later" hay BNPL), theo Nikkei. Như vậy, Việt Nam sẽ là thị trường quốc tế đầu tiên mà Kredivo hướng đến. Hiện tại, Kredivo tự nhận mình là nhà cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" lớn nhất Indonesia.

'Mua trước trả sau' trở thành cuộc chơi fintech mới tại Việt Nam - Ảnh 1.

BNPL trở thành xu hướng cạnh tranh mới trong mảng fintech tại Đông Nam Á, bằng chứng là vốn đầu tư chảy mạnh vào các startup mảng này. (Ảnh: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn)

Thời điểm đó, ông Valery Crottaz, giám đốc vận hành của Kredivo, nói rằng Việt Nam là một lựa chọn logic đối với startup này với các đặc điểm như tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp và nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng.

Là xu hướng tiêu dùng mới nổi trong vài năm trở lại đây, các "tay chơi" trong nước cũng không đứng ngoài "cuộc chiến" mới mang tên BNPL. Cũng trong tháng 8, MoMo ra mắt sản phẩm Ví Trả Sau dưới sự hợp tác cùng TPBank.

Fundiin, một trong những startup BNPL tiên phong tại Việt Nam, kêu gọi được 1,8 triệu USD hồi tháng 9 năm nay từ một nhóm các nhà đầu tư mới bao gồm Genesia Ventures, JAFCO Asia, Xffirmers, Trihill Capital, cùng với đó là nhóm các nhà đầu tư hiện hữu như 1982 Ventures và Zone Startups Ventures.

Fundiin ra mắt sản phẩm BNPL vào giữa năm 2020 và hiện đang hợp tác với hơn 100 nhà bán hàng tại Việt Nam bao gồm nhiều chuỗi bán lẻ lớn như Lug, Vua Nệm hay Giant International.

"Các sản phẩm tín dụng nhận tiếng xấu ở Việt Nam vì những chiếc bẫy tài chính khiến khách hàng vướng vào vòng tròn nợ nần. Người dùng Việt Nam cần các sản phẩm như Fundiin để hỗ trợ và bảo vệ lợi ích", ông Nguyễn Anh Cường, CEO và đồng sáng lập Fundiin, chia sẻ sau khi nhận được vốn của các nhà đầu tư.

Fundiin khẳng định giải pháp BNPL mà nó cung cấp có thể tăng doanh số của các nhà bán lẻ thêm tới 30% nhờ mô hình không phí và quy trình thanh toán trơn tru mà không cần tải ứng dụng hay đăng ký rắc rối.

Hồi tháng 3, Fundiin cũng chốt được một vòng đầu tư khác song không công bố cụ thể chi tiết.

Năm nay, Bankograph, một nhà cung cấp giải pháp thanh toán từ Singapore, cũng ra mắt giải pháp BNPL được may đo để cung cấp cho các ngân hàng một bộ giải pháp cho tính năng mới này.

Bên cạnh những cái tên nói trên, thị trường BNPL còn có sự tham gia của một số công ty khác như Ree-Pay, Wowmelo, Movi, Atome, Lit hay PayLater.

'Mua trước trả sau' trở thành cuộc chơi fintech mới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Quy mô nền kinh tế số ở Việt Nam cho tới năm 2025 qua GMV (đơn vị: tỷ USD). (Nguồn: Bain, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Một nghiên cứu của Research and Markets thực hiện vào năm ngoái cho thấy thanh toán qua hình thức BNPL tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 137,3% mỗi năm để chạm mốc 491,3 triệu USD vào năm 2021. Tăng trưởng của thanh toán BNPL cũng tăng mạnh tại Việt Nam trong năm ngoái nhờ hoạt động TMĐT gia tăng và nhiều người gặp các khó khăn về tài chính thúc đẩy nhu cầu tín dụng.

Xét về nền kinh tế số, theo nghiên cứu của Bain, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế Internet lớn thứ 2 tại Đông Nam Á ở thời điểm năm 2025 với GMV có thể đạt mốc 57 tỷ USD (tăng trưởng kép hàng năm 29% mỗi năm từ năm 2020). Con số này chỉ xếp sau GMV của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á là Indonesia với 146 tỷ USD.

Ông Dragan Bozic, người sáng lập và CEO của Ree-Pay, trong khi đó cũng nhận định rằng Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất cho BNPL với tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở mức thấp. Nếu như thẻ tín dụng là sản phẩm dành cho khách hàng có điểm tín dụng tốt, BNPL tiếp cận nhóm người dùng rộng hơn, bao gồm cả những người chưa có điểm tín dụng. Mức phạt trả chậm (nếu có) của BNPL cũng thấp hơn khá nhiều so với con số này của thẻ tín dụng.

Dù có nhiều tiềm năng, BNPL cũng có thể phải đối mặt với các thách thức ở Việt Nam, tương tự những thách thức đã quan sát được ở nhiều thị trường khác như Singapore.

Đầu tiên, BNPL có thể tạo ra các thói quen mua sắm xấu cho người dùng, đặc biệt là người trẻ và chưa có khả năng quản lý tài chính. Theo một nghiên cứu từ Finder, 27% người trẻ ở Singapore tham gia khảo sát nói rằng họ phải đối mặt với tình hình tài chính tệ đi vìc ác khoản mua sắm thông qua BNPL. Trong khi đó, 17% thừa nhận họ thực hiện các khoản mua sắm "bốc đồng" nhờ hình thức tài trợ này và 9% đã phải trả các khoản phạt thanh toán chậm.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng đen cũng có thể lúp bóng dưới hình thức các công ty công nghệ tài chính để đưa ra các khoản vay có lãi suất "cắt cổ", tương tự như nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến đã thực hiện. Người dùng cũng nên chú ý đến các "phí ẩn" kèm theo dịch vụ BNPL để tránh trường hợp thực tế họ đang mua sản phẩm với mức giá cao hơn nhiều với chi phí đề ra ban đầu.

Mô hình kinh doanh không phí của các công ty BNPL cũng đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh được dự đoán sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai. Các chuyên gia dự đoán cạnh tranh ở mảng BNPL ở Việt Nam sẽ không kém những gì đã từng diễn ra ở mảng ví điện tử.

Nam Khánh