Đi tìm động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2022
Năm 2021 có thể nói là một năm nhiều cảm xúc đối với cổ phiếu ngân hàng. Nếu như ở nửa đầu năm, ngân hàng là nhóm ngành hút tiền nhất bậc nhất trên thị trường, giá cổ phiếu tăng trưởng tích cực, triển vọng sáng sủa với những con số lợi nhuận kỷ lục, kế hoạch tăng vốn "khủng" cho tới những câu chuyện riêng như bán vốn công ty con, đối tác chiến lược...; thì ở nửa cuối năm lại diễn biến gần như trái ngược sau tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.
Mặc dù thời gian gần đây, với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách, nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu phục hồi; tuy nhiên giới phân tích vẫn nhận định các nhà băng còn phải đối mặt với không ít thách thức.
Bên cạnh đó, mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại đã được đẩy lên mức cao nên năm 2022 nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng". Như vậy, đâu sẽ là những cơ hội và triển vọng đối với cổ phiếu ngân hàng trong năm nay?
Sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách kể từ đầu quý IV/2021, cầu tín dụng của nền kinh tế đã bật tăng trở lại, tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, các ngân hàng đã bơm ra gần 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lần gần 13%, cao hơn mục tiêu 12% ban đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.
Xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương với khoảng hơn 1,4 triệu tỷ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường trong năm tới.
Mặt khác, trong một cuộc khảo sát mới đây, các tổ chức tín dụng cho biết sẽ nới lỏng nhẹ điều kiện tín dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Qua đó, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn, thúc đẩy cầu tín dụng chung.
4 nhóm ngành được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm sau bao gồm Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và Xây dựng.
Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không còn dư giả như trước đây, cũng như NHNN tiếp tục kiểm soát hoạt động cho vay thông qua "công cụ" hạn mức tín dụng.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí).
Do đó, các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như Techcombank, TPBank, VPBank, MB, ACB,... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Môi trường lãi suất thấp là một trong những nhân tố chính giúp biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cải thiện trong năm 2021, qua đó giúp lợi nhuận tăng mạnh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, với chủ trương tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, các chuyên gia của VNDirect cho rằng NIM của các ngân hàng có thể giảm vào năm 2022.
Theo đó, việc cải thiện hệ số NIM trong năm sau có thể sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng, một số nhà băng sẽ có lợi thế cạnh tranh như hệ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp; có khả năng vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong bối cảnh tỷ giá ổn định hoặc có khả năng mở rộng cho vay cá nhân, vốn là phân khúc có lợi suất cao.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng NIM có thể điều chỉnh giảm nhẹ hoặc đi ngang trong 2022. Song, chỉ số này cũng có thể cải thiện mạnh mẽ trong trừờng hợp các nhà băng dừng triển khai các gói hỗ trợ lãi suất khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Trong bối cảnh hoạt động cho vay vẫn tiềm ẩn rủi ro khi "cuộc chiến" chống COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết thúc, việc gia tăng các khoản thu ngoài lãi trở thành một xu hướng chính của các ngân hàng.
Triển vọng gia tăng nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng được đánh giá còn rất tích cực do nguồn đóng góp chính là mảng kinh doanh bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến năm 2020, mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này ở các quốc gia phát triển lên tới khoảng 90%.
Ngoài ra, trong các năm tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng và sự ổn định của lợi nhuận các ngân hàng
Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng số và thẻ cũng còn nhiều tiềm năng khi tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện mới ở mức 31% và tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng ở mức 2%, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, các hoạt động môi giới, tư vấn bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản… cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong điều kiện môi trường lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo VCBS.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tính cuối năm 2021 là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên mức 3,9%.
Còn nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%. Tỷ lệ nợ xấu dự báo có thể cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nợ xấu là được đánh giá là thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, vẫn có không ít những góc nhìn tích cực về những con số này.
Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng mức nợ xấu của các ngân hàng Việt trước đại dịch tương đối thấp, thậm chí rất thấp ở một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu chỉ từ 0,4 - 0,6%.
Do đó, việc tăng từ mức nền so sánh thấp trở lại mức bình thường khiến tỷ lệ nợ xấu có vẻ tăng tương đối cao, có thể tăng gấp đôi lên mức nợ xấu bình thường là 1 - 1,2%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng nợ xấu tăng do dịch bệnh sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng. Theo đó, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn khi nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, bản thân các ông chủ nhà băng nắm được tình hình nợ xấu của mình hơn ai cả, nên hầu hết đã chủ động trích lập dự phòng trên mức tối thiểu cho các khoản nợ được tái cơ cấu này trong quý II và quý III năm nay, tăng cường khả năng chống chịu đối với khả năng nợ xấu có thể hình thành.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong thời gian tới, câu chuyện riêng sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố quyết định triển vọng giá cổ phiếu của các ngân hàng. Những câu chuyện của các ngân hàng tuy không quá mới với nhà đầu tư, nhưng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng của các nhà băng.
Đơn cử như thương vụ bán vốn công ty con của MSB, riêng đối với công ty tài chính FCCOM dự kiến đem về cho ngân hàng này 2.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2022. Con số này cao bằng mức lợi nhuận sau thuế trong cả năm 2020. Đây cũng chưa bao gồm khoản lợi nhuận từ việc bán công ty quản lý tài sản (AMC) của MSB.
Mặc dù đã lên kế hoạch bán vốn công ty cho thuê tài chính trong năm 2021, song bởi lý do dịch bệnh, thương vụ này của VietinBank được kỳ vọng lùi lại sang năm 2022. Theo dự báo của Chứng khoán Bảo Việt, VietinBank có thế ghi nhận khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng nhờ thoái vốn khỏi VietinBank Leasing.
Bên cạnh đó, sau khi thương vụ Manulife hoàn tất mua lại Aviva mới đây, Vietinbank được kỳ vọng có thể bắt đầu ghi nhận mức phí trả trước từ năm 2022 là khoảng gần 1.400 tỷ đồng.
Hay như cổ phiếu STB của Sacombank cũng được đánh giá là một cơ hội hấp dẫn nếu việc bán cổ phiếu cầm cố tại VAMC hoàn tất. Nếu thương vụ thành công, Sacomabank có thể hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc sớm hơn dự kiến và có sự phục hồi lợi nhuận ấn tượng từ 2023.
Nhìn chung, bức tranh ngành ngân hàng năm 2022 được nhiều ý kiến nhận định sẽ có gam màu sáng hơn. Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán VNDirect cho rằng nền kinh tế sẽ tăng tốc nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Theo đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.
Cũng với góc nhìn lạc quan, theo SSI Research, định giá hiện tại của nhóm cổ phiếu ngan hàng chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm nay, và điều này có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua các cổ phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn trong thời gian này.