Quỹ tỷ đô của Dragon Capital lạc quan với cổ phiếu ngân hàng, bất động sản

Ảnh minh họa. (Nguồn: VEIL/Dragon Capital).
Báo cáo kết quả hoạt động tháng 1 của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) nêu tâm lý thận trọng bao trùm suốt kỳ nghỉ lễ, thanh khoản giao dịch tháng đầu năm giảm đáng kể. Tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện, song những yếu tố ngoại biên đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn đứng ngoài quan sát.
Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang diễn ra sôi nổi, nhà quản lý quỹ tỷ đô nhận thấy sự phân hóa ở các công ty có lợi nhuận quý IV/2024 tốt.
Ngành ngân hàng đã mang lại lợi nhuận khả quan, với mức tăng trưởng chung là 22,6% theo năm và 19,1% theo quý IV.
Trong danh mục nắm giữ của VEIl, VietinBank (Mã: CTG) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 59,4% trong quý IV/2024 và 26,8% cho năm 2024.
VPBank (Mã: VPB) cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận là 127,5% trong quý IV/2024, đưa mức tăng trưởng cả lên 57,0%, được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ là 18,6% theo năm, NIM ổn định là 6% và thu nhập từ việc thu hồi nợ xấu tăng mạnh.

Cơ cấu danh mục VEIl tại cuối tháng 1. (Nguồn: VEIL/Dragon Capital).
VEIL vẫn tự tin vào vị thế danh mục đầu tư nắm giữ, khi cho rằng lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng hiện tại, với kỳ vọng về việc mở rộng tín dụng bền vững vào năm 2025 từ các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, bất động sản nhà ở cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc, hưởng lợi từ những cải tiến về quy định và thanh khoản thị trường tốt hơn.
Điều này sẽ hỗ trợ cải thiện dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản bằng cách giảm bớt các khoản nợ xấu tiềm tàng. Nhà quản lý quỹ đánh giá đây là một diễn biến tích cực cho vị thế đầu tư của mình vào lĩnh vực này kể từ cuối năm 2024.
Quỹ thành viên Dragon Capital cho biết một số nhà phát triển trong danh mục đầu tư đã vượt qua các rào cản pháp lý đối với các dự án quan trọng trong 6 tháng qua, phù hợp với những cải thiện chung của ngành.
Ví dụ điển hình là dự án Gem Riverside quy mô 4,3 ha của Đất Xanh Group (Mã: DXG) tại TP HCM, có thể cung cấp 3.000 căn hộ. Hay dự án Eaton Park gần đó dự kiến sẽ nhận được giấy phép bán hàng vào quý I trước thời điểm ra mắt dự kiến vào quý II.
Nhà quản lý quỹ cũng đang quan tâm đến Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC). Được thành lập vào năm 2002, Đô thị Kinh Bắc là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên cung cấp đất công nghiệp và dịch vụ cho các nhà sản xuất FDI vào Việt Nam.
Trong hai thập kỷ qua, công ty đã phát triển thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp tư nhân lớn nhất, với quỹ đất hơn 6.000 ha trên toàn quốc. Đô thị Kinh Bắc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà sản xuất lớn như LG Electronics, Qualcomm, Foxconn, Oppo và các nhà cung cấp của Apple là Luxshare và Goertek.
Hoạt động kinh doanh khu công nghiệp của Đô thị Kinh Bắc, ít phụ thuộc vào nhu cầu trong nước, đã cho phép công ty đạt được kết quả mạnh mẽ vào năm 2022 và 2023 - hai năm khó khăn đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, với mức tăng trưởng EPS lần lượt là 38% và 33%.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động năm 2024 đã khó khăn hơn, vì sự chậm trễ về mặt pháp lý đã ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, công ty đã đạt hai động lực tăng trưởng dài hạn: Khu đô thị Tràng Cát và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Cả hai dự án đều đã được phát triển trong một thời gian và vào tháng 1/2025, nhận được giấy chứng nhận đầu tư từ Chính phủ. Sự chấp thuận được mong đợi từ lâu này đóng vai trò là chất xúc tác chính cho tâm lý nhà đầu tư và hiệu suất cổ phiếu. VEIL ước tính lợi nhuận của Đô thị Kinh Bắc sẽ phục hồi mạnh mẽ, với lợi nhuận ròng năm 2025 dự kiến ẽ tăng hơn 200% sau khi giảm 79% vào năm 2024.
Tại thời điểm cuối tháng 1, VEIL có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt hơn 1,8 tỷ USD (khoảng hơn 45.000 tỷ đồng). Hiệu suất danh mục đạt mức tăng 1% trong tháng đầu năm (VN-Index đi ngang), với đóng góp chủ yếu từ nhóm tài chính – ngân hàng, tiêu dùng trực tiếp và công nghệ.
Hiện quỹ vẫn tập trung nắm nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ trọng 35,5%, kế đến là bất động sản 15,1%, tiêu dùng trực tiếp 13,3%, vật liệu 9,3%, công nghệ 7,6%. 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm hơn 56% danh mục, gồm MWG, FPT, HPG, KDH, DGC và 5 cổ phiếu ngân hàng VPB, VCB, ACB, TCB, CTG.