Tuần đầu tiên của năm 2022: Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 22%, các nhà băng dần hé lộ kết quả kinh doanh 2021
NVB tăng hơn 22% trong tuần đầu tiên năm 2022
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 (4/1 - 7/1), sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 19/27 mã giảm giá, 7 mã tăng và một mã đứng tham chiếu.
Dù vậy, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân vẫn là điểm sáng khi tăng tới 22,3% trong tuần qua. Nếu tính cả phiên tăng trần cuối cùng của tuần trước thì mức tăng của cổ phiếu này còn lên tới gần 32%.
Cổ phiếu NVB diễn biến tích cực trong bối cảnh ngân hàng vừa công bố về việc cháo bán 150 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá chỉ 10.000 đồng/cp, tức xấp xỉ 25% thị giá hiện tại. Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng Quốc dân sẽ tăng hơn 35% lên 5.763 tỷ đồng.
Đồng thời, mức tăng trên của NVB cũng bỏ xa các mã ngân hàng khác như NAB (+6,1%). BID (+5,7%), PGB (+5,2%), KLB (+3%), STB (+1,4%)...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SSB của SeABank là mã giảm sâu nhất trong tuần qua với mức giảm 6,9%, dừng ở mức 42.250 đồng/cp kết tuần.
Sau khi tăng mạnh trong vài tuần trước đó, cổ phiếu MSB cũng ghi nhận mức điều chỉnh 6,6% trong tuần vừa rồi xuống còn 27.100 đồng/cp. Một số cổ phiếu khác có mức giảm trên 2% trong tuần còn có BVB (-4,3%), ACB (-3,5%), VPB (-3,4%), VBB (-3,2%),...
Duy nhất cổ phiếu ABB của ABBank đứng tham chiếu tại mức 22.000 đồng/cp.
Dù chỉ giao dịch trong 4 ngày, song tuần qua có tổng cộng gần 873 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 27.872 tỷ đồng, không thấp hơn các tuần trước đó.
Trong đó, vị trí quán quân về khối lượng giao dịch thuộc về STB với hơn 174,5 triệu cổ phiếu, cách biệt với mức 137 triệu của SHB ngay sau đó. Song, đây cũng là hai mã có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị trong tuần qua.
Ngoài ra, một số mã khác như VPB, CTG, MBB, TCB có khối lượng giao dịch lớn từ 50 đến 71 triệu đơn vị.
Xét về giá trị giao dịch, cổ phiếu STB cũng đứng đầu với gần 5.682 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mứ 3.047 tỷ đồng của SHB. Lần lượt xếp sau đó là hai mã TCB và VPB với giá trị giao dịch làn 2.686 tỷ đồng và 2.507 tỷ đồng.
Cũng trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 94,1 tỷ đồng cổ phiếu STB và hơn 77,5 tỷ đồng CTG; trong khi đó bán ròng 38,4 tỷ đồng TPB, 31,3 tỷ đồng VCB...
Mặt khác, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được khối tự doanh mua ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh. Giá trị mua ròng tại nhóm này tăng từ 135 tỷ tuần trước lên 371 tỷ đồng tuần này. Thống kê cho thấy, bộ phận tự doanh đã bền bỉ gom cổ phiếu ngân hàng 6 tuần liên tiếp bất chấp diễn biến kém sắc của nhóm này trong tuần vừa qua. Hai mã được gom chủ yếu là TCB và VPB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Trong những ngày đầu năm 2022, một số nhà băng đã tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 với kết quả tích cực.
Trong đó, TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh chi tiết năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 37,6% so với năm trước và vượt hơn 4% so với kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu được cải thiện và duy trì ở mức thấp 0,9%.
Dù chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể, nhưng hai "ông lớn" BIDV và VietinBank đều cho biết đã vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã giảm gần một nửa trong năm vừa qua, xuống còn 0,81%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Bên cạnh đó, tại hội nghị sơ kết vừa tổ chức, lãnh đạo Agribank cho biết lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tức tăng khoảng 6% so với năm trước. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%.
Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) chi trả cổ tức 2020 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 60,08%. Toàn bộ cổ tức trên đều chi trả bằng tiền mặt. Với tỷ lệ sở hữu là 88,95%, ngân hàng mẹ Techcombank sẽ nhận về hơn 600 tỷ đồng.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận hồ sơ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% của ABBank. Vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến tăng lên gần 10.000 tỷ đồng sau khi chia.
Agribank vừa có quyết định tiếp tục chuyển nhượng gần 2,87 triệu cổ phiếu CMG (chiếm 2,87% vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghệ CMC) với giá khởi điểm dự kiến là 60.500 đồng/cp. Với mức giá trên, Agribank sẽ thu về xấp xỉ 174 tỷ đồng nếu việc chuyển nhượng diễn ra thành công.