SSI Research: Định giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm 2022
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng những quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong nửa đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá của nhóm cổ phiếu này.
Mặc dù định giá đã quay về mức hợp lý hợp lý hơn sau mức đỉnh hồi tháng 7/2021 (PB dự phóng 1,8x), PB 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu hiện ở mức 1,6x, vẫn cao hơn so với mức trung bình lịch sử.
Song, SSI Research cho rằng định giá hiện tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm nay, và điều này có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua các cổ phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn trong thời gian này.
Nhóm phân tích nhận thấy cơ hội đầu tư tại Vietcombank với yếu tố cơ bản mạnh, định giá đang ở mức thấp hơn trung bình 4 năm (PB dự phóng là 2,56x so với 3,07x), và kế hoạch tăng vốn có thể sẽ được khởi động lại trong 2022.
Đồng thời, các chuyên gia cũng ưa thích mã CTG của VietinBank nhờ tích cực xử lý nợ xấu trong năm 2021, trong khi thu nhập bất thường có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận và các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2022.
Ngoài ra, mã STB của Sacombank cũng là một cơ hội hấp dẫn nếu việc bán cổ phiếu cầm cố tại VAMC hoàn tất. Nếu thương vụ thành công, Sacomabank có thể hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc sớm hơn dự kiến và có sự phục hồi lợi nhuận ấn tượng từ 2023.
Với những động lực rõ ràng này, SSI Research ước tính các ngân hàng này có thể có diễn biến khả quan ngay trong nửa đầu 2022.
Trong khi đó, sau khi hết hạn tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 và bức tranh nợ xấu thực sự rõ ràng hơn, nhóm cho rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và dự phòng rủi ro tín dụng mạnh như Techcombank, MB và ACB sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu này có thể đối mặt với rủi ro dịch bệnh COVID-19 bùng phát và các đợt giãn cách xã hội kéo dài có thể làm tăng nợ xấu mới hình thành, cũng như tăng chi phí tín dụng.
Bên cạnh đó, một số rủi ro khác có thể đến từ Bong bóng bất động sản; Rủi ro lạm phát có thể khiến lãi suất tiền gửi tăng cao hơn dự kiến; Giải pháp hồi sinh ngân hàng “0 đồng” với sự tham gia/ hỗ trợ của các ngân hàng lớn; Gói Cấp bù lãi suất nếu được thiết kế và triển khai không phù hợp.