Giám đốc chiến lược Dragon Capital: Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, cổ phiếu ngân hàng còn nhiều hứa hẹn
"Tự do tài chính MONEYtalk" số thứ 2 thu hút đông đảo người xem với sự xuất hiện của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư của Dragon Capital. Chương trình tuần này xoay quanh chủ đề Hãy "định giá" đúng! nhằm mục đích lật mở những bí quyết định giá đầu tư để ra những quyết định mua hoặc bán thật chính xác.
Trong hành trình đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, ông Tuấn bày tỏ: "Mọi thứ luôn có sự đồng hành giữa cơ hội và rủi ro. Rủi ro trong đầu tư là gì? Chúng ta có thể mất 1 phần tiền hoặc mất hết. Còn cơ hội trong đầu tư là chúng ta có thể kiếm được 100 lần tiền hoặc 1000 lần, thậm chí vô cực".
Sau quyết định giảm mua tài sản và dự kiến 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022, chuyên gia Dragon Capital đánh giá các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản sẽ không quá ảnh hưởng nếu mức tăng ở dưới 3% trên cơ sở nền kinh tế phục hồi và yếu tố lạm phát.
Hiện tại mối lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam không phải là lạm phát cao mà là tăng trưởng thấp.
Nhận định riêng về thị trường chứng khoán năm 2022, ông Lê Anh Tuấn cho biết với dự báo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25% với P/E khoảng 12 lần, thấp hơn so với trung bình 5 năm trở lại đây. Năm 2022 là một năm của cơ hội.
Khi hệ thống KRX đưa vào sử dụng vào năm 2022 thì chắc chắn có sự bùng nổ về thanh khoản. Nếu Bộ Tài chính cho phép giao dịch T0 (giao dịch trong ngày) thì định giá những cổ phiếu sẽ lên một tầm cao mới.
Nắm bắt cơ hội khi ngân hàng bị ghét bỏ
Khi được hỏi về danh mục mới nhất của chuyên gia, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ: "Hành trình đầu tư song hành với sự cô đơn, đôi lúc cần sự can đảm, đi ngược với xu hướng hiện tại. Ngân hàng là ngành bị ghét bỏ trong 4-5 tháng vừa qua nhưng cá nhân và cả Dragon Capital đang nhìn ngành ngân hàng đầy hứa hẹn".
Lý giải cho quan điểm đầu tư trên, ông Tuấn nhận định ngân hàng là một ngành cực kỳ lớn, chiếm hơn 30% vốn hoá thị trường. Với quy mô 6 - 7 tỷ USD, bắt buộc danh mục của Dragon Capital phải lựa chọn cổ phiếu có thanh khoản cao và giá trị cao.
Trong hội thảo gần đây, bà Phạm Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Bộ phận phân tích Dragon Capital, cũng cùng quan điểm khi Dragon Capital đánh giá cao tiềm năng của ngành ngân hàng sắp tới, vì vậy nhóm ngân hàng vẫn giữ tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư của Dragon Capital.
Tuy nhiên động thái bán ròng của các quỹ ngoại chứ không chỉ riêng Dragon Capital từ đầu năm đến nay, với giá trị kỷ lục 60.000 tỷ đồng, khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu chấm hỏi.
Bà Dương giải đáp: "Chúng tôi có nhiều quỹ thành viên với quy mô và mục tiêu khác nhau. Đối với quỹ lớn như quỹ VEIL với quy mô 2,6 tỷ USD chỉ duy trì tỷ lệ tiền mặt tại khoảng 5%. Hay như Norges Bank là một trong các quỹ thành viên sở hữu nhiều cổ phiếu ngân hàng nhất (mua tổng cộng 3,15 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm tại ngân hàng này từ 4,99% lên 5,12% hồi tháng 5/2021). Thực tế là chúng tôi không hề rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam".
"Thậm chí, đối với một số quỹ nhỏ quy mô từ vài chục đến vài trăm triệu USD, từ đầu năm đến nay thực tế là vẫn nhận được dòng tiền vào ròng từ các nhà đầu tư, nhất là từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan. Dragon Capital khẳng định sự tin tưởng với thị trường chứng khoán Việt Nam và không có chuyện rút tiền ra khỏi thị trường. Động thái bán ròng chỉ là hoạt động tái cơ cấu, chuyển hoá thành lợi nhuận và sẵn sàng tiền mặt để đầu tư bất cứ lúc nào".