|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top 10 tăng/giảm tuần 13 - 17/12: Cổ phiếu bất động sản dậy sóng từ hiệu ứng đất Thủ Thiêm, TGG chưa dừng giảm giá

20:08 | 19/12/2021
Chia sẻ
Thông tin 2,4 tỷ đồng/m2 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đã khiến cổ phiếu loạt công ty bất động sản trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng mạnh ngay từ tuần, điển hình như DIG, CII, BCM... Hiệu ứng cũng phả sức nóng vào nhiều mã ngành xây dựng như CEE, ROS, NHA...

Kết thúc giao dịch tuần này, VN-Index tăng 1,11% lên 1.479,64 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 456,2 điểm, tăng 1,21% so với tuần trước. Phần lớn đà tăng của VN-Index đến từ phiên đầu tuần (13/12), nhưng quyết định giảm tốc quá trình mua tài sản của Fed và kế hoạch tăng lãi suất cho năm 2022 đã không thể đưa VN-Index tiến về đỉnh lịch sử quanh mốc 1.500 điểm trong các phiên tiếp theo. 

Xét theo yếu tố dòng tiền, khối lượng giao dịch đã cải thiện mạnh mẽ so với tuần trước nhưng lại bị áp đảo bởi đà bán ròng mạnh của khối ngoại trên hai sàn HOSE và HNX với giá trị bán ròng vượt 2.000 tỷ đồng.

Sức nóng cổ phiếu bất động sản 

Ngành bất động sản là đầu tàu dẫn dắt thị trường tuần qua sau thông tin Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ 24.500 tỷ đồng đấu giá lô đất 10.059,7 m2 (tương đương 2,4 tỷ đồng/m2) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm gây sốt dư luận.

Sắc xanh xuất hiện ở phần lớn các mã cổ phiếu trong nhóm ngành này khi có tới 62/81 cổ phiếu tăng giá. Khác với giai đoạn trước đó khi dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu cho thuê bất động sản khu công nghiệp, những cổ phiếu bất động sản nhà ở lại thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Vượt trội hơn hẳn so với nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn, mã DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) dẫn đầu top tăng trên sàn HOSE với 5/5 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần. Thực tế, đà tăng của cổ phiếu DIG đã bắt đầu từ đầu tháng 10 từ quanh vùng 30.000 đồng/cp lên thị giá 91.000 đồng/cp, tương ứng tăng gấp 3 lần. 

Ngoài ra, dòng tiền đầu cơ nóng chủ yếu tìm đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ như CII (tỷ lệ tăng 28,8%), BCM (26,2%) và QCG (22,4%). CII là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất tại Thủ Thiêm nên việc cổ phiếu này tăng nóng theo kỳ vọng trên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những mã như BCM hay QCG vẫn được hưởng lợi từ cơn sóng này bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ gần đây. 

Hiệu ứng đất Thủ Thiêm còn phả hơi nóng vào các cổ phiếu ngành xây dựng như CEE (32,2%), ROS (27,4%) và NHA (18,5%).

Danh sách các mã tăng giá tuần qua cũng có sự góp mặt một vài cổ phiếu từ những nhóm ngành khác như tài nguyên (LCM), thực phẩm và đồ uống (BAF) và chứng khoán (TVS). 

Đặc biệt về mã LCM, mặc dù ghi nhận đà tăng 10 lần tính từ đầu năm 2021, cổ phiếu này vẫn chưa thể về mệnh giá với giá chốt phiên cuối tuần dừng tại mốc 6.900 đồng/cp, đồng thời là cổ phiếu có thị giá thấp nhất sàn HOSE. 

Top tăng giảm - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Hiện tượng "họ Louis" không còn quá xa lạ nhà đầu tư khi giới đầu cơ bỏng tay vì đua nhau đầu cơ cổ phiếu nóng. Phiên tăng trần cuối tuần đã thu hẹp đà giảm của mã TGG của xuống chỉ còn 16,6% nhưng tính xa hơn, mã này đã mất 70% giá trị từ mức 76.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu cùng hệ sinh thái cũng mất tới quá nửa thị giá như BII, AGM, VKC, SMT...

Rơi từ đỉnh 96.000 đồng/cp, cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương đang trong quá trình phân phối trong một tháng trở lại đây. Trong phiên cuối tuần, mã này dần lấy lại vị thế khi tăng kịch trần lên 76.300 đồng/cp. 

Nhịp điều chỉnh trong tuần này còn xuất hiện tại các mã như VSI, VFG, HT1, MSH, KHP, PTC, APH và VNS với tỷ giảm dưới 15%.

CEO tiếp tục tăng dựng đứng

Như đã đề cập, dòng tiền đầu cơ nóng trong tuần có khẩu vị chủ yếu tại các cổ phiếu midcap, penny dòng bất động sản. Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 quý liên tiếp, CEO là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tháng 11 và tiếp tục đà tăng nóng trong tuần này (tỷ lệ tăng 39,1%).

Các mã chứng khoán ngành bất động sản hoặc xây dựng cũng theo trend đất Thủ Thiêm như QHD, VIT, V21, CMC, SDU, MBG và góp mặt trong top tăng giá trên sàn HNX tuần qua với tỷ lệ trên 20%. 

Top tăng giảm - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Mặc dù tăng trần và lấy lại vùng đỉnh 40.000 đồng/cp trong phiên đầu tuần, giá cổ phiếu MED của CTCP Dược Trung ương Mediplantex không giữ được đà hồi phục và mất 24% giá trị tuần qua. 

Tương tự, quá trình hồi phục rồi lại phân phối cũng diễn ra đối với cổ phiếu SGC của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Đã từng đạt mốc 110.000 đồng/cp, hiện mã này chỉ giao dịch quanh vùng 50.700 đồng/cp với nhiều phiên đứng giá tham chiếu.

Đa phần cổ phiếu còn lại trong Top 10 giảm giá đều là các mã thị giá nhỏ hoặc thanh khoản èo uột với vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên, có thể kể đến VLA (23,6%), HCT (18,7%), ADC (14,5%), TFC (13,9%)...

GER tăng gần gấp đôi chỉ sau một tuần

Top tăng giảm - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Thị trường UPCoM xuất hiện cơ hội "ăn bằng lần" chỉ trong một tuần, cổ phiếu GER của CTCP Thể thao Ngôi sao Geru tăng tới 93%, chốt phiên 17/12 tại 11.200 đồng/cp. Gần như đứng giá tham chiếu trong suốt một năm trở lại đây, mã này bất ngờ tăng trần 5/5 phiên nhưng thanh khoản cao nhất chỉ đạt 2.100 cp/phiên.

Với biên độ dao động cao hơn hẳn hai sàn HOSE và HNX, các cổ phiếu bất động sản trên UPCoM ghi nhận tỷ lệ tăng vượt trội như E29 (87,4%), TL4 (50%), LIC (47,5%) và SID (43,4%).

Dẫn đầu chiều giảm giá là cổ phiếu NVP của CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, mặc dù niêm yết từ đầu năm 2017, mã này gần như đứng tại mức giá tại 6.100 đồng/cp và chỉ trong một phiên cuối tuần giảm tới 37,7% xuống còn 3.800 đồng/cp. 

Danh sách giảm giá trên thị trường UPCoM còn có các cổ phiếu khác như BLN (37,7%), PNG (29,3%), HIZ (27,8%), LPT (27,2%)... Đây đều là những cổ phiếu giao dịch với thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bảo Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.