'Đãi cát tìm vàng' cổ phiếu với mặt bằng giá cao, NĐT có thể đầu tư ngành nào cho năm 2022?
Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước dịch, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn sẽ giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. VCBS nhận định dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
Theo đó, VCBS dự báo VN-Index có thể tiến lên đến vùng 1.580 – 1.600 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh năm 2021.
Hệ thống giao dịch mới của HOSE được chính thức đưa vào vận hành kể từ tháng 7/2021 đã giúp dỡ bỏ "điểm nghẽn" về thanh khoản khớp lệnh trên sàn, tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là thanh khoản trên thị trường khó có thể ghi nhận một mức tăng "bùng nổ" như trong giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Về xu hướng tăng trưởng về thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 dự báo tăng nhẹ so với năm 2021 và đạt bình quân hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8-10% so với năm ngoái. Giá trị giao dịch trung bình năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng 17-20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.
Đãi cát tìm vàng, mua gì cho năm 2022?
Dịch COVID-19 đặt nền kinh tế Việt Nam ở trong một giai đoạn có nhiều biến động, xét cả về nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh kinh tế trên thế giới. Ở trong nước, chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để vừa phục hồi nền sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới" và vừa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang dần cải tổ lại "động cơ tăng trưởng" của mình hướng đến mục tiêu tăng trưởng thân thiện hơn với môi trường cũng như phục vụ số đông người dân tốt hơn.
Trong bối cảnh như vậy, VCBS kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.
Sự phân hóa giữa các cổ phiếu - vốn đã bắt đầu trong quý IV/2021 và sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết, dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới" của từng doanh nghiệp cụ thể.
VCBS gợi ý nhà đầu tư có thể quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành - đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ hoặc một số doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi "bình thường mới".
Nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như: dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu... cũng nên được xem xét. Ngoài ra, một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của chỉ số chung trong một số giai đoạn nhất định với những sóng tăng ngắn.