NĐT Việt Nam giao dịch chứng khoán bỏ xa Indonesia, Singapore, HSBC dự báo thanh khoản tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục
Theo đánh giá của HSBC, thị trường Việt Nam có giá trị tương đối tốt hơn so với các thị trường mới nổi và cận biên vì hai lý do.
Thứ nhất, mức chênh lệch giá của thị trường Việt Nam so với các thị trường Châu Á (trừ Nhật Bản) trong bộ chỉ số GEM và FM ít hơn so với mức trung bình trong quá khứ. Thứ hai, mức chênh lệch theo định giá của thị trường Việt Nam cũng sẽ cao hơn vì (các doanh nghiệp trên) thị trường đang tạo ra các mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn trong quá khứ.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2021 đạt kỳ lục mới là 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP.
"Mặc dù mọi người đều có chung nhận thức rằng thị trường cổ phiếu của Việt Nam là quá nhỏ để thu hút được các khoản đầu tư nước ngoài lớn, nhưng sự thật là giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường đã tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục", báo cáo của HSCB nêu.
Trong tháng 11/2021, giá trị cổ phiếu giao dịch trong ngày lập đỉnh kỷ lục 56.300 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD/phiên). Tính chung cả năm, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỷ USD), tăng 250% so với năm 2020 (khoảng 430 triệu USD).
Nhìn sang các thị trường khu vực, giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường Thái Lan là khoảng 2 tỷ USD/ngày, của Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày và Philippines là 100 triệu USD/ngày.
Sang năm 2022, HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, cũng như trong tương lai. Theo dự báo đơn vị này, VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm.