BSC điểm tên 3 nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, tập trung cổ phiếu thép và bất động sản
Ngày 11/1 đã khép lại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, theo đó Quốc hội đã thông qua "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" với quy mô khoảng 347.000 tỷ đồng. Đây là chương trình có quy mô, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới.
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa có báo cáo đánh giá về kế hoạch và tiến độ giải ngân của gói phục hồi này, theo đó điểm tên 3 nhóm ngành chính được hưởng lợi từ đầu tư công gồm vật liệu xây dựng (thép, xi măng, nhựa...), thi công (xây dựng hạ tầng, xây dựng thương mại, điện...) và bất động sản (bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp).
Ngành thép
Đối với "anh cả" ngành thép HPG, BSC đánh giá sản lượng tiêu thụ thép nội địa duy trì ở mức cao nhờ các gói giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng hoạt động xây dựng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, triển vọng tăng công suất thêm 66% kể từ năm 2024 khi dự án Dung Quất 2 đi vào vận hành, tạo dư địa lớn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
Ngoài ra, định giá cổ phiếu HPG trở về mức hấp dẫn với EPS 2022 dự báo ở mức 8.110 đồng, tương đương PE forward chỉ ở mức 5,7 lần (thấp hơn mức PE trung bình 5 năm của HPG).
Mã HSG cũng được nhắc tên với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép nội địa dự báo tăng trưởng trở lại nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và công nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. Cùng với đó, công ty cũng sở hữu mạng lưới phân phối hơn 500 cửa hàng trải dài khắp cả nước và tiếp tục giữ vững thị phần ở nhóm dẫn đầu về tôn mạ và ống thép.
Đối với NKG, xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng của cổ phiếu này, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của công ty. BSC nhận định cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thép dự báo sẽ gia tăng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, có thể khiến giá bán thép giảm từ mức nền cao của năm 2021,và khiến biên lợi nhuận suy giảm trong năm 2022.
Ngoài ngành thép, BSC còn đánh giá tiềm năng của một số cổ phiếu vật liệu xây dựng khác như HT1, PLC, PC1 và BMP.
Xây dựng
Về nhóm ngành xây dựng, cổ phiếu C4G được đánh giá cao nhờ triển vọng kinh doanh năm 2022. Mảng xây lắp của công ty tăng trưởng tốt nhờ backlog chuyển tiếp từ cuối năm 2021 lớn: khoảng 4.000 tỷ đồng và kỳ vọng dành thêm nhiều gói thầu tại các dự án giao thông trọng điểm.
Ngoài ra, doanh nghiệp ghi nhận phần còn lại dự án bất động sản - KĐT Long Sơn với doanh thu 267 tỷ đồng và dự án 61 Nguyễn Trường Tộ 50 tỷ đồng, cùng với đó là kỳ vọng nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới trong 2022 thu về 1.100 tỷ đồng.
Đối với CTD, công ty sẽ phục hồi hoạt động kinh doanh vào năm 2022 chủ yếu nhờ (i) tái cấu trúc doanh nghiệp, (ii) giá trị hợp đồng mới sẽ đạt mức cao 30.000 tỷ đồng và giá trị backlog từ năm 2021 là hơn 23.460 tỷ đồng, (iii) dự phòng khoản phải thu khó đòi giảm do được đẩy mạnh hạch toán vào năm 2021. Hiện cổ phiếu CTD có định giá hấp dẫn so với các công ty cùng ngành trong nước (P/B của CTD là 1.05x trong năm 2022 so với P/B của các công ty cùng ngành là 1.5x).
Nhóm phân tích cũng dự báo hoạt động kinh doanh của HBC sẽ phục hồi vào năm 2022 chủ yếu nhờ (i) giá trị hợp đồng kỳ mới kỳ vọng đạt 20.000 tỷ và giá trị backlog chuyển sang từ năm 2021 là 18.900 tỷ và (ii) là đối tác tin cậy của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Keppel Land... Dự kiến HBC sẽ thoái vốn khỏi 4/11 dự án BĐS trong năm 2022 - 2023 và thu về trên 1.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu xây dựng cuối cùng mà BSC điểm tên là VCG với kỳ vọng một số gói thầu xây dựng mới giá trị cao đang trong giai đoạn thi công, bao gồm Cao tốc Mai Sơn – QL45 (2.498 tỷ), Cầu Vĩnh Tuy 2 (1.255 tỷ), Cao tốc Vĩnh Hào – Phan Thiết (3.225 tỷ), Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (2.299 tỷ), Nghi Sơn – Diễn Châu (1.266 tỷ), QL45 – Nghi Sơn (1.100 tỷ).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha và mục tiêu gia tăng quỹ đất lên 5.000 ha đảm bảo phát triển bền vững trong những năm tới, cộng thêm tiến độ tại KĐT DL Cát Giá – Cát Bà Amatina (172 ha tại Hải Phòng) được đẩy nhanh.
Bất động sản
Nhóm ngành bất động sản góp mặt nhiều đại diện nhất, trong đó BSC tập trung vào một số doanh nghiệp lớn đầu ngành.
Đầu tiên là DXG với dự báo lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 so với mức thấp của năm 2021 nhờ (i) bàn giao 3 dự án trọng điểm là Gem Sky World, ST Mortiz và Opal Skyline và (ii) sự phục hồi của mảng môi giới. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính đạt 1.645 tỷ đồng với EPS đạt 2.622 đồng và PE là 13,5x.
Cùng với đó, hậu Covid-19, doanh thu mở bán mới của DXG sẽ cải thiện mạnh mẽ vào năm 2022 với một số dự án như Opal Park View, Opal City view, Opal Park City và Gem Riverside. Doanh thu bán trước năm 2022 dự kiến tăng 196% so với cùng kỳ, ước tính đạt 14.073 tỷ đồng với 7.263 căn hộ.
Đối với ông lớn VHM, doanh nghiệp là cánh cửa trung gian nhanh nhất cho các NĐT nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Tổng diện tích đất của VHM đạt 168 triệu m2, gấp hơn 7 lần so với công ty đứng thứ hai trên thị trường. Giá trị mở bán mới sẽ quay trở lại đường đua với một số dự án mới như Vinhomes Dream City (diện tích sàn 7,85 triệu m2), Vinhomes Wonder Park (133ha), Vinhomes Cổ Loa (385ha).
Đối với NLG, công ty sở hữu quỹ đất lớn nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vốn hóa tầm trung, lên đến 681 ha. BSC dự kiến tổng giá trị mở bán giai đoạn 2021 - 2022 ở mức kỷ lục 26.155 tỷ đồng với 6.050 sản phẩm. Ước tính tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của NLG giai đoạn 2020 - 2022 đạt 32%.
NVL là doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn thứ hai hồi sinh mạnh mẽ sau giai đoạn 2017 - 2020. Tổng quy mô quỹ đất của NVL ước tính hơn 5.400 ha với tổng giá trị phát triển dự án theo ước tính lên đến 45 tỷ USD. Giai đoạn 2022 - 2024 là giai đoạn điểm rơi lợi nhuận của NVL với các dự án trọng điểm được bàn giao như Grand Mahattan, Aqua City , Cụm Novaworld Phan Thiết – Hồ Tràm. BSC ước tính tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của công ty giai đoạn 2020 - 2022 đạt 30%.
Nhóm bất động sản KCN cũng được BSC đánh giá tiềm năng với những doanh nghiệp, đơn cử như KBC. Nhóm phân tích cho rằng khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) được mở khóa, cộng thê, KCN Tràng Duệ 3 và KCN Long An sẽ sớm được phê duyệt và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận của KBC trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đối với LHG, BSC dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 ghi nhận tăng trưởng hai chữ số nhờ chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu hơn 15ha đất KCN và nhà xưởng Long Hậu 3 GĐ 1 với giá bán duy trì ở mức cao trên 200 USD/m2/ chu kỳ.