Vì sao nhóm ngân hàng không hút tiền NĐT cá nhân trong khi Dragon Capital phân bổ tỷ trọng cao và khen tiềm năng?
Vì sao cổ phiếu ngân hàng bớt hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân?
Tại hội thảo trực tuyến "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của ngành ngân hàng", các chuyên gia từ Chứng khoán SSI và Dragon Capital đã đưa ra quan điểm về những biến động trong phiên đáo hạn phái sinh.
Thị trường chứng khoán hôm nay (16/12) kết thúc phiên đáo hạn phái sinh cuối cùng của năm mà không gặp nhiều biến động lớn nhờ nỗ lực của loạt cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực cản chính và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.
Trước những thắc mắc liệu các công ty chứng khoán có lường trước được đà giảm điểm và có khuyến nghị nhà đầu tư tránh xa nhóm ngành ngân hàng trong những phiên đáo hạn hay không, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối Phát triển khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI, cho rằng những nhịp giảm điểm trong phiên đáo hạn thể hiện xu hướng của dòng tiền rất rõ ràng.
Trong những phiên giao dịch gần đây, NĐT cá nhân chiếm vai trò chủ trong khi giao dịch của khối tổ chức và nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 5,5%. NĐT cá nhân có xu hướng "đánh nhanh, thắng nhanh", kỳ vọng chốt lãi sớm và chọn dòng midcap, penny thay vì nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
Bên cạnh đó, trái ngược với đà tăng giá trong nửa đầu năm 2021, dòng tiền đã dần rút khỏi ngành ngân hàng và nhà đầu tư e dè đầu tư vào nhóm ngành này bởi một vài yếu tố. Thứ nhất là tỷ lệ nợ xấu và rủi ro toàn ngành ngân hàng sau thời gian dài giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Thứ hai, sau quá trình tăng giá bùng nổ nửa đầu năm, định giá cổ phiếu ngân hàng không còn rẻ và hấp dẫn nhà đầu tư. Thứ ba, nhiều ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng, gây áp lực lên số lượng cổ phiếu lưu hành và giá cổ phiếu.
Nhìn vào lực bán mạnh trong những phiên đáo hạn phái sinh, quỹ tỷ USD như Dragon Capital thường bị gọi tên và đặt dấu hỏi về động thái tác động đến thị trường. Bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc Bộ phận phân tích Dragon Capital, nhận định thanh khoản thị trường luôn duy trì trên 1 tỷ USD và khó có một thế lực nào, ngay cả quỹ lâu đời như Dragon Capital, có thể điều khiển thị trường trong điều kiện thanh khoản tăng mạnh.
Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong danh mục của Dragon Capital
Nói về triển vọng đầu tư cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Anh Đức nhận định nhóm này có thể tiếp tục tích luỹ thêm trong tương lai cho tới khi có những câu chuyện mới như tăng trưởng lợi nhuận. Ngành ngân hàng là một trong những ngành hiếm hoi trên thị trường có lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng sau thời gian dài nhờ nền tảng hoạt động tín dụng và đa dạng hoá nguồn doanh thu bằng nghiệp vụ bán lẻ.
Chia sẻ góc nhìn của Dragon Capital về dư địa của nhóm ngành ngân hàng, bà Phạm Thuỳ Dương đề cập đến vấn đề tỷ lệ nợ xấu của ngành này không quá tệ nếu nhìn từ góc độ đầu tư giá trị. Tỷ lệ nợ nấu toàn ngành tăng từ 1,6% trong năm 2020 lên 1,9% trong năm nay, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Ngoài ra, dư nợ tái cơ cấu tại cuối tháng 9/2021 đạt 2,6% tổng dự nợ, thấp hơn nhiều so với đỉnh 3,9% vào cuối năm 2020.
Dragon Capital nhận định chi phí dự phòng của nhóm ngân hàng khó ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận trong năm 2022. Ngoài ra, lợi nhuận trong quý IV/2021 và kéo dài sang năm 2022 có thể đến từ tăng trưởng của mảng tín dụng và bán lẻ, từ đó đa dạng hoá nguồn thu của ngân hàng. Bà Dương đánh giá cao tiềm năng của ngành ngân hàng sắp tới, vì vậy nhóm ngân hàng vẫn giữ tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư của Dragon Capital.