Pyn Elite Fund tiếc vì cầm nhiều bluechip nhưng lãi chủ yếu nhờ midcap và penny, dự báo VN-Index đạt 2.500 điểm 3 năm tới
Đại dịch COVID-19 đến nay đã kéo dài gần hai năm, tạo ra thách thức không nhỏ đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp trong lịch sử, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới ồ ạt đổ về thị trường chứng khoán đã duy trì thanh khoản thị trường cao kỷ lục và các chỉ số liên tục thiết lập đỉnh mới.
Trong báo cáo công bố mới đây, Pyn Elite Fund cho biết hiệu suất đầu tư của quỹ trong hai năm gần đây đạt tới 76%, chủ yếu đến từ lợi nhuận từ các doanh nghiệp vốn hoá vừa và nhỏ và vượt trội hơn hẳn so với con số 52% của VN-Index.
Trong danh mục đầu tư PYN Elite, phần lớn lợi nhuận lợi nhuận trong 6 tháng qua đến từ cổ phiếu midcap và penny dòng bất động sản và ngân hàng. Trước đây, những yếu tố như quỹ đất, tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản không được phản ánh trong giá cổ phiếu nhưng khoảng cách đó dần thu hẹp trong vài tháng qua khi lực cầu từ nhà đầu tư rất tích cực.
Mặc dù đạt được hiệu suất đáng kể, Pyn Elite tỏ vẻ tiếc nuối khi nắm giữ nhiều bluechips trong 6 tháng qua với hiệu suất tương đối khiêm tốn so với cổ phiếu midcap và penny. Lý giải, Pyn cho biết quỹ bắt buộc phải phân bổ tỷ trọng cao vào các doanh nghiệp vốn hoá lớn để phòng ngừa rủi ro trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch.
Pyn Elite Fund đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát các ca nhiễm COVID-19, mặc dù tình hình lây nhiễm ở Việt Nam trở nên nghiêm trọng vào nửa cuối năm 2021 do biến thể delta. Tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch đã làm chậm quá trình phục hồi của các công ty trong danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, tốc độ phủ rộng vắc xin tại Việt Nam đã tạo kỳ vọng về tăng trưởng doanh thu của các công ty này trong năm tới, theo đó quỹ vẫn giữ quan điểm tích cực đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn.
VRE (tỷ trọng 9,4%)
CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) phải tạm thời giảm giá cho thuê dài hạn trong thời gian dịch bệnh. Cổ phiếu VRE đã giảm 3% so với năm ngoái cùng với kết quả hoạt động của doanh nghiệp không đạt so với kế hoạch đề ra trong năm 2021.
Tuy nhiên, với kỳ vọng giá tiền thuê tăng trở lại và kế hoạch mở các trung tâm mua sắm mới, Pyn vẫn đánh giá cao cổ phiếu này và dự báo doanh thu của công ty sẽ tăng trong vài năm tới.
ACV (tỷ trọng 6,5%)
Nhờ có dòng tiền hỗ trợ, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 1,2% bất chấp số lượng chuyến bay sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi nhà nước đã dỡ bỏ các hạn chế đối với du lịch nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất cho phép các chuyến bay quốc tế sẽ trở lại bình thường vào năm 2022, theo đó doanh thu của ACV dự kiến tăng trong 10 quý tới.
VEA (tỷ trọng 8,4%)
Doanh số bán xe mô tô và ô tô của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (Mã: VEA) giảm mạnh trong quý III do làn sóng COVID-19 thứ 4. Tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô mới có hiệu lực vào đầu tháng 12 sẽ giúp kích thích doanh số bán ô tô trong vài tháng tới.
VHM (tỷ trọng 17,3%)
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) là một trong những chủ doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên giá cổ phiếu VHM không phản ánh được kết quả kinh doanh khả quan của công ty trong năm 2021. Những ảnh hưởng từ gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande và nguồn tiền đổ vào các dự án xe điện của Vingroup có lẽ là những lý do chính dẫn đến lợi suất khiêm tốn của cổ phiếu VHM.
Các siêu dự án của Vinhomes tại các thành phố có tỷ lệ bán hàng tốt trong khi việc ra mắt các dự án mới như Dream City, Wonder Park và Long Beach bị trì hoãn. Tuy nhiên, việc xây dựng các dự án này tiếp tục được triển khai và không bị gián đoạn. Như vậy, sau khi được mở bán, các dự án mới sẽ tạo ra doanh thu trong khoảng 10-15 năm.
CTG (tỷ trọng 12,2%)
Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank - Mã: CTG) trong năm 2021 bị ảnh hưởng do chỉ thị trích lập dự phòng của ngân hàng trung ương. Hầu hết các ngân hàng phải trích lập dự phòng vượt mức trong năm nay ngay cả khi không có nguy cơ xảy ra rủi ro tín dụng. Pyn Elite Fund dự kiến Vietinbank sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2022 khi tỷ lệ trích lập dự phòng trở lại bình thường và Vietinbank bắt đầu ghi nhận phí bancassurance.
Mục tiêu mới của VN-Index là 2.500 điểm
Trong những năm Pyn Elite Fund hoạt động tại Việt Nam (2013–2021), quỹ đánh giá cao năng lực, sự quyết đoán của chính phủ Việt Nam khi các quyết định đưa ra mang tính hệ thống và dài hạn.
Các khoản đầu tư của chính phủ vào giáo dục, năng lượng tái tạo tạo ra triển vọng đầy hứa hẹn cho khả năng cạnh tranh trong tương lai. Việt Nam đang công nghiệp hóa một cách nhanh chóng và là quốc gia đầu tư năng lượng tái tạo mạnh nhất tại Đông Nam Á.
Với gói kích thích kinh tế và đẩy mạnh vào đầu tư công trong giai đoạn 2022–2023, Pyn dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ trong vài năm tới.
Pyn Elite kỳ vọng hiệu suất đầu tư sẽ đạt 28% vào năm 2022, 20% vào năm 2023 và 18% vào năm 2024. Dự báo tỷ lệ P/E vào năm 2024 là 16,5. Dựa trên những kỳ vọng này, quỹ cho rằng VN-Index hoàn toàn có thể đạt được 2.500 điểm trong vài năm tới.
Lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ làm giảm đáng kể rủi ro cho Việt Nam. Lợi tức trái phiếu chính phủ ở Việt Nam đã giảm 2% sau khi ở đỉnh 6–8% trong vài năm trước. Pyn kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp 3-4% trong vài năm tới. Đây chính là lực đẩy cho thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được mục tiêu.
Pyn Elite Fund kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch ở mức cao với P/E đạt 20–25 lần, mặc dù mục tiêu 2.500 điểm của VN-Index dựa trên hệ số P/E là 16,5.