Chuyên gia chứng khoán phím 4 nhóm ngành tiềm năng năm 2022
Tại Hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro 2022", bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc, Chuyên viên Phân tích cấp cao tại CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đã đưa ra đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022. Dựa trên 3 luận điểm đầu tư chính gồm lực đẩy từ giá hàng hoá, nhu cầu hậu COVID-19 và đầu tư công, bà Ngọc tập trung khuyến nghị một số ngành tiềm năng.
Dầu khí hồi phục mạnh từ đáy
Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ vượt tổng ung từ năm 2021 cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ hồi phục mạnh, cụ thể trong tháng 11/2021 nhu cầu của thế giới đã vượt 100 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch và OPEC và các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng sản lượng nhiều hơn.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dầu và khí tự nhiên đã dẫn đầu về mức tăng giá so với các loại hàng hóa phổ biến trên thế giới, lần lượt tăng 111% và 70%. Giá dầu đã thiết lập đỉnh cao mới trong 5 năm và đang hướng về vùng giá trên 100 USD/thùng giai đoạn năm 2013 – 2014.
Xét theo chuỗi giá trị ngành, đối với khâu thượng nguồn, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực Đông Á hiện nay vào khoảng 55 USD/thùng.
Vì vậy, với mức giá hiện nay, chuyên gia Mirae Asset kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động tạo nên sự sôi động cho khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.
Đối với khâu trung nguồn, hoạt động vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đến từ cả 3 phân khúc: nhu cầu vận tải, nhu cầu nhập khẩu LPG và nhu cầu nhập khẩu LNG. Nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục, tác động tích cực đến khu vực hạ nguồn ngành dầu khí.
Tập trung cổ phiếu khu công nghiệp có P/E thấp
Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc đánh giá độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, nhu cầu xây dựng hạ tầng KCN trở nên thiết yếu. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới/mở rộng/điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.670 ha.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, các KCN phía Bắc đã trở lại hoạt động từ tháng 7/2021, theo đó hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời của khu vực phía Nam do dịch. Kết quả, giá thuê KCN tại phía Bắc duy trì tăng trưởng 6,1% trong quý III và khoảng 21,3% trong 9 tháng năm 2021.
Trong khi đó, thị trường bất động sản KCN phía Nam được dự báo sẽ sớm sôi động trở lại sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.
Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong dịch. Lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp KCN lớn đang niêm yết tăng trưởng trung bình 38,7% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Bà Ngọc nhấn mạnh nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có mức P/E thấp hơn mức trung bình ngành là 26,59 lần và có quỹ đất sẳn sàng khai thác từ 3 năm trở lên như SZC, NTC và SIP.
Bất động sản dân cư
Đối với phân khúc bất động sản chung cư tại miền Bắc, Mirae Asset dự kiến xu hướng kích cầu của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục với các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hỗ trợ vay vốn... cho người mua. Giá nhà chung cư tại miền Bắc kỳ vọng tăng nhẹ 5 - 10% trong năm 2022.
Nguồn cung chung cư tại miền Nam thể hiện sức bật mạnh mẽ từ cuối năm nay, theo đó Mirae Asset dự kiến quý IV/2021 và đầu năm 2022 sẽ có gần 10.000 sản phẩm được chào bán (chủ yếu ở dự án Vinhomes Grand Park), bằng cả 3 quý trước đó cộng lại.
Đối với mối lo Tập đoàn Evergrande chính thức vỡ nợ trái phiếu, theo quan điểm của bà Ngọc, thị trường bất động sản Trung Quốc nói chung và tình hình tài chính của Evergrand nói riêng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam do các yếu tố: (i) thị trường bất động sản Việt Nam không nóng như thị trường tại Trung Quốc, thậm chí có phần hạ nhiệt trong thời gian qua; (ii) giá nhà trung bình của Việt Nam vẫn trên thu nhập và thấp hơn so với các nước trong khu vực và (iii) mật độ đô thị hoá của nước ta vẫn còn dư địa để phát triển.
Bán lẻ và tiêu dùng
Khi nền kinh tế phục hồi, bán lẻ và tiêu dùng là ngành khó có thể bỏ qua để đầu tư. Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc kỳ vọng tăng trưởng thấp trong 2 năm trở lại đây tạo bước đà cho sự phục hồi.
Một số động lực chính cho tăng trưởng trong cả ngắn lẫn dài hạn hậu đại dịch bao gồm (i) giai đoạn cao điểm mua sắm trong các dịp lễ cuối năm và Tết âm lịch và (ii) thu nhập phục hồi hỗ trợ cho tăng trưởng tiêu thụ khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm – đồ uống năm 2022 dự kiến hướng về mức trước dịch năm 2019, tương ứng với kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2022, từ mức thấp năm 2021. Ngoài ra, chuyên gia Mirae Asset dự báo lợi nhuận sẽ cải thiện ở tất cả các nhóm hàng gồm bia, sữa, hoa quả, rau củ xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/