|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022

20:13 | 13/01/2022
Chia sẻ
COVID-19 không phải là kẻ thù số 1 của kinh tế thế giới 2022. Mối nguy lớn nhất sẽ đến từ lạm phát và rủi ro rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phán đoán sai về cuộc phục hồi hậu COVID-19.
Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022 - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Getty Images, Bloomberg).

Trong số những chuyên gia Bloomberg khảo sát, nhận định chung là kinh tế thế giới sẽ mở rộng 4,4% trong 2022. Hầu hết đồng tình rằng từ 2023 trở đi, tăng trưởng sẽ quay trở về quỹ đạo dài hạn bình thường là khoảng 3,5%, như thể COVID-19 chưa từng xuất hiện.

Nhưng đấy mới chỉ là các dự báo và mô hình. Rắc rối là nhìn từ thực địa, nền kinh tế thế giới chẳng có gì là "bình thường" cả. Nếu điều này vẫn đúng trong 12 tháng tới, gần như chắc chắn các nhà hoạch định chính sách sẽ làm hỏng chuyện.

Từ bồi bàn cho đến tài xế xe tải, chip máy tính cho đến khoai tây chiên, sự lệch lạc giữa cung và cầu đã trở thành chủ đề chính trong cuộc phục hồi COVID-19.

Trong gần hết năm 2021, các nhà hoạch định chính sách tại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương coi thường thiếu hụt lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng là hậu quả ngắn hạn của đại dịch. 

Nỗi lo chưa dứt về COVID-19 và tiền cứu trợ từ chính phủ trong tài khoản lấy mất động lực quay lại làm việc của nhiều người thất nghiệp. Chỉ cần thời gian thì những vấn đề này sẽ tự được giải quyết.

Nhưng đến dịp Lễ Tạ ơn 25/11, lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ đã lên đến 6,8%, mức cao nhất kể từ thời tổng thống Mỹ là Ronald Reagan và lớn gấp ba lần dự báo của Fed hồi đầu năm. 

Do đó đến tháng 12 lời nói của các ngân hàng trung ương đã chuyển từ "tạm thời" sang "Lạm phát đã đi lên trong quá lâu, có lẽ chúng ta cần đánh đuổi nó". Giờ thị trường đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong 2022. Ngân hàng trung ương Anh đã đi trước và tăng lãi suất thêm 15 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối cùng tháng 12. 

Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022 - Ảnh 2.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố không có dự định tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng với dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát ở khu vực đồng euro tăng với tốc độ kỷ lục 5% trong 2021, ECB có thể buộc phải thay lời.

Chúng ta đã biết ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới sẽ rút bớt hỗ trợ cho nền kinh tế và những cơ quan tiền tệ khác có thể sẽ chóng theo sau. Liệu động thái này sẽ quá khốc liệt và phá hủy phục hồi kinh tế hay là đây là hành động quá yếu đuối và quá muộn màng?

Quá khứ chỉ ra rằng hầu hết các cuộc suy thoái là kết quả được tạo ra bởi các ngân hàng trung ương. Đối với phe "quá khốc liệt" lo ngại Fed sẽ tạo ra cuộc suy thoái tiếp theo, những người này bi quan về hậu quả kinh tế từ biến chủng Omicron và tác động phụ từ dòng tiền kích thích kinh tế của chính phủ khô kiệt đúng lúc lãi suất đi lên. 

Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022 - Ảnh 3.

Bloomberg Economics kỳ vọng Omicron sẽ có tác động rõ rệt nhưng ngắn hạn lên tăng trưởng. Omicron có vẻ dễ lây lan nhưng ít nguy hiểm hơn những biến chủng trước. Trong dài hạn, Omicron có thể đẩy nhanh quá trình đại dịch chuyển sang dịch địa phương, giảm thiểu tần suất phong tỏa để chống dịch.

Cú đánh từ việc chính phủ chấm dứt tiêu dùng hỗ trợ khó có thể bị xem nhẹ như Omicron, vì đây là vấn đề số học cơ bản. Kinh tế Mỹ đã có hai năm và 1.000 tỷ USD kích thích tài khóa, phần lớn dưới dạng tiền mặt phát trực tiếp cho người dân.

Loại bỏ số tiền này tương tự như việc dập một lỗ hổng trong tổng cầu trị giá ít nhất 3% GDP Mỹ, theo nhà kinh tế trưởng Alec Phillips của Goldman Sachs. Thiệt hại sẽ còn lớn hơn nếu gói chi tiêu 1.750 tỷ USD của chính quyền Biden không được thông qua.

Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022 - Ảnh 4.

Liệu bước ngoặt 180 độ của chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ có giết chết phục hồi kinh tế toàn cầu không? Thị trường tài chính chọn câu trả lời là "Không". 

Đến cuối năm 2021, thị trường tài chính toàn cầu trị giá khoảng 150.000 tỷ USD, tăng gấp đôi kể từ tháng 3/2020. Thậm chí chỉ số S&P 500 còn đi lên trong ngày Fed thuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chấm dứt chương trình mua trái phiếu.

Giả sử kinh tế Mỹ có thể chịu được thắt chặt tiền tệ. Nhưng phần còn lại của thế giới thì sao? 

Lý do lớn nhất mà thế giới có thể rũ bỏ tác động của việc Fed thắt chặt chính sách là ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết tâm giữ lãi suất dưới đáy trong tương lai gần. Do đó vẫn còn rất nhiều tiền rẻ trôi nổi trên thế giới tìm kiếm điểm đến.

Nhưng chúng ta vẫn phải tập trung chú ý nhất đến Mỹ, đất nước quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận quỹ đạo phục hồi kinh tế toàn cầu, vì Mỹ tạo ra gần 1/4 sản lượng thế giới. Nhà đầu tư đang dự đoán Fed chỉ tăng lãi suất lên ba lần trong 2022. 

Bloomberg Economics dự kiến Fed phải hành động 6 lần. Nhưng kể cả như vậy thì lãi suất chính sách của Mỹ vẫn chỉ nhỉnh hơn 1% đôi chút vào cuối năm, thấp hơn nhiều lạm phát và thời trước COVID-19.

Nguy cơ các ngân hàng trung ương đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2022 - Ảnh 7.

Khó có thể nghĩ rằng lãi suất như vậy là đủ để cản bước nền kinh tế tiến vào năm mới với động lực mạnh mẽ. Do đó, câu hỏi quan trọng nhất không phải là liệu Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ hành động quá trớn trong 2022, mà là liệu họ có làm đủ hay không?

"Tôi sợ rằng chúng ta đã tiến tới điểm mà khó có thể giảm lạm phát mà không thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức gây ra suy thoái", cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nói trong cuộc phỏng vấn tháng trước.

Nhiều nhà kinh tế cũng đã về cùng phe với ông Summers và chỉ trích Fed. Ông Mohamed El-Erian, Kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Allianz SE phát biểu gay gắt: "Nhận định rằng lạm phát chỉ là tạm thời có lẽ là sai lầm lớn nhất về lạm phát trong lịch sử của Fed".

Những người tin Fed đang làm "quá ít ỏi, quá muộn màng" thấy rằng rắc rối phần cung chỉ là một trong số các yếu tố khiến lạm phát đi lên. 

Ngoài ra, người lao động trong nền kinh tế COVID-19 hỗn loạn này đột nhiên có quyền mặc cả lương đáng kể với chủ lao động. Tháng 10/2021, lương hàng giờ ở Mỹ tăng 5,8% so với năm trước, mức tăng trưởng lớn thứ ba kể từ đầu thập niên 1980. Một thước đo rộng hơn về lương bổng và phúc lợi cũng ghi nhận mức tăng một quý lớn nhất trong thế kỷ này.

Đã hơn 4 thập kỷ kể từ khi Mỹ rơi vào vòng xoáy lương-giá leo thang. Đối với những người làm công theo giờ của Mỹ, lương tăng gần như không đủ để bắt kịp lạm phát kể từ 1980 chứ đừng nói đến việc thúc đẩy giá tăng. Dù vậy, nhu cầu khổng lồ trong nửa cuối năm 2021 cũng đủ để làm chột dạ bất kỳ ai nghĩ rằng lạm phát của Mỹ sẽ biến mất trong một sớm một chiều.

Quan điểm chung của các nhà kinh tế Bloomberg thường khảo sát là đại dịch có thể đã thay đổi cách chúng ta làm việc và mua sắm trong lâu dài, nhưng động lực cơ bản giữa cung và cầu sẽ quay về bình thường khá nhanh chóng một khi chúng ta vô hiệu hóa mối nguy của COVID-19. Sau đó lạm phát sẽ bắt đầu ngả về mục tiêu dài hạn của Fed là 2%.

Nếu các chuyên gia này đúng thì các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa kinh tế Mỹ về một cuộc hạ cánh mềm và tránh suy thoái. Nếu sai, 2023 sẽ là năm tất cả chúng ta phải trả giá.

Giang

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …