|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Tổng cầu có dấu hiệu phục hồi, quý II sẽ có bức tranh tươi sáng hơn

14:48 | 31/05/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 8,3% nếu trừ đi yếu tố về giá cho thấy tín hiệu nền kinh tế đã bắt đầu có sự phục hồi song sự phục hồi đến mức nào còn phải chờ số liệu của quý II.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).

Đặc biệt, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12/2022 CPI tháng 5 tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 2,43%, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong giai đoạn 2019 - 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Theo các chuyên gia, tình hình khó ngoài sức tưởng tượng như hiện nay, rõ ràng nguyên nhân chính đến từ các yếu tố chủ quan, đặc biệt là ở một số địa phương đầu tàu tăng trưởng như TP.HCM.

Trong lúc kinh tế khó khăn, phải đặt mục tiêu bội chi ngân sách, quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công để, chính sách tài khoá tạo ra những cú hích thúc đẩy rất nhanh tăng trưởng kinh tế nhưng những chính sách này còn khá chậm chạp. Chính sách tiền tệ quá thận trọng, chính sách tài khóa cũng thắt chặt không cởi được nên kết quả kinh tế như vậy là phản ánh thực chất vấn đề, chuyên gia đánh giá.

Muốn thúc đẩy tăng trưởng buộc phải kích cầu

Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính. (Ảnh: NVCC).

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, "cỗ xe tam mã" tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu mà tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% cho thấy cầu tiêu dùng rất thấp, buộc phải kích cầu.

Với xuất nhập khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư từ khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn thì thị trường bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán sụt giảm, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng khoảng 3% tính đến 20/4. Với yếu tố đầu tư công, hiện Chính phủ và các địa phương thúc đẩy nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu giải ngân như kỳ vọng.

Hai yếu tố xuất khẩu và đầu tư FDI đều gặp khó, động lực tăng trưởng chỉ còn trông đợi vào đầu tư công và tiêu dùng. Sự phục hồi đáng kể ở mảng bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng, một yếu tố có thể coi như động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP năm nay. Tuy nhiên, nhiều chính sách chậm trễ, kém hiệu quả khiến nền kinh tế mất đi động lực

Hiện tại, đơn hàng xuất khẩu rất thiếu, lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao tới 88.000 doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm. Doanh nghiệp đang rất khó khăn đòi hỏi phải có sự tháo gỡ từ Chính phủ.

Theo chuyên gia, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền, đồng thời chi phí vốn vay cũng rất lớn. Trong bối cảnh đó, những chính sách như giảm thuế VAT, giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng, miễn giảm, hoãn nợ để thúc đẩy tổng cầu qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu.

Thông qua việc thúc đẩy tổng cầu, doanh nghiệp sẽ có dòng tiền từ bán sản phẩm cộng với những chính sách về vốn, tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp có động lực vượt qua khó khăn.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 8,3% nếu trừ đi yếu tố về giá cho thấy tín hiệu nền kinh tế đã bắt đầu có sự phục hồi song sự phục hồi đến mức nào còn phải chờ số liệu của quý II.

Khi nền kinh tế trì trệ, suy thoái thì phải giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, khi cầu tiêu dùng tăng thì sản xuất sẽ tăng. Đáng lý, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023 thì nên chuẩn bị sớm, như việc giảm thuế VAT chẳng hạn, nên giảm từ đầu năm 2023 thay vì chỉ áp dụng trong nửa cuối năm, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay. 

Chuyên gia Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB cũng từng đánh giá, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc.

Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống. Nếu có sự liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, khi xuất khẩu giảm sút lập tức cần có những biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng lên để bù đắp.

Quý II đã có tín hiệu lạc quan hơn

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 30/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng kinh tế quý II của thành phố dự báo đạt 5,87%, tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55%.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng dự kiến tăng 4,77% quý II. Tuy nhiên, do quý trước, khu vực này giảm sâu nên tính chung nửa đầu năm chỉ tăng 0,8%. Dịch vụ là khu vực có mức tăng cao nhất trong các nhóm, lĩnh vực, với dự báo 7,6%, tính chung 6 tháng là 4,96%.

Sản xuất công nghiệp đang khởi sắc, sức mua hàng hóa cải thiện, hoạt động lưu trú, du lịch tăng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 1,5% so với tháng 4 và tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng, IIP tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này cũng tăng hơn 10% so với tháng 5/2022, cộng dồn 5 tháng đầu năm tăng 6,2%. Năm tháng qua, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách ước thực hiện gần 10.200 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Riêng hai tháng gần nhất, TP HCM đã tăng tốc mạnh mẽ khi giải ngân được hơn 8.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kinh tế của "đầu tàu cả nước" trong tháng 5 có khởi sắc. Hàng hóa bán buôn, bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ, du lịch tăng khá. Trong khi đó, nhiều chương trình khuyến mãi được Thành phố, doanh nghiệp tung ra trong ba tháng hè đã giúp kích cầu du lịch.

Nhìn từ câu chuyện kích cầu để tạo động lực cho TP HCM, có thể thấy bên cạnh đầu tư công, du lịch, dịch vụ sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Hạ An