|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạm phát lõi tăng, tiêu dùng trong nước chậm lại, vậy đâu là điểm tích cực của kinh tế những tháng đầu năm?

10:25 | 09/02/2023
Chia sẻ
Số đơn hàng xuất khẩu mới tăng trở lại, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng, sắp trình dự thảo sửa đổi quy định về trái phiếu doanh nghiệp là những điểm tích cực với nền kinh tế.

SSI Research vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường, theo đó cho biết nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ xuất phát từ nhu cầu bên ngoài chậm lại tác động tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, mà áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, khối phân tích lưu ý rằng do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán), việc so sánh với cùng kỳ (hoặc với tháng trước) sẽ không có nhiều ý nghĩa, việc phân tích sẽ chi tiết hơn khi có số liệu vĩ mô tháng 2.

Theo SSI, lạm phát cơ bản vẫn đang có xu hướng tăng mạnh.

"Về số liệu tháng 1, lạm phát là yếu tố đáng chú ý nhất với mức tăng 5,1% so với cùng kỳ của lạm phát cơ bản. Mức tăng này vượt xa mức trung bình thường thấy (từ 2-3%) và tương đương với mức lạm phát từ các nước phát triển", báo cáo nêu.

Áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa dịch vụ cốt lõi (đặc biệt là giá thuê nhà – chiếm tỷ trọng lớn trong rổ lạm phát cơ bản) đã tăng mạnh từ quý III/2023. Trên thực tế, các kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan Chính phủ cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,8% - 5%), cho thấy các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.

SSI cho rằng điều này sẽ phần nào tác động tới chính sách tiền tệ của NHNN, nhằm tạo thế cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng.  

 

Tiêu dùng trong nước cũng đang chậm lại, theo nhận định của khối phân tích. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20% so với cùng kỳ (tăng 34,2% so với tháng 1/2019). Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, SSI chờ đợi thêm số liệu tháng 2 để xác định xu hướng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trên thực tế, các ước tính sơ bộ cho thấy đang nghiêng nhiều về sự chậm lại dưới tác động của lạm phát. Cụ thể, Tổng cục Thống kê ước tính doanh thu bán lẻ vẫn thấp hơn 12% so với xu hướng thông thường, và các chỉ tiêu khác (công suất tiêu thụ điện và giá hoạt động giải trí) có mức tiêu thụ thấp hơn trong dịp Tết năm nay.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 870.000 lượt khách. Mặc dù tăng 23,2% so với tháng trước, số lượng khách vẫn thấp hơn 42% so với mức trước COVID-19 (tháng 1/2019).

Bên cạnh những số liệu không quá khả quan, theo SSI, một số điểm tích cực phải kể đến số đơn hàng xuất khẩu mới tăng trở lại, mặc dù điều này cần theo dõi thêm để xác nhận xu hướng.

Ngoài ra điểm nhấn trong tháng còn đến từ các chính sách mới được công bố. Cụ thể trong Nghị Quyết 01, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế 2022-2023.

Về ngành ngân hàng, NHNN đã công bố Thông tư 26 về việc tính tỷ lệ đảm bảo an toàn (tỷ lệ LDR), trong đó thay đổi đáng chú ý nhất đến từ lộ trình nới lỏng hơn trong việc tính tiền gửi kho bạc Nhà nước.

Khác với dự thảo trước đó, Thông tư 26 này có thể được nhìn nhận là một cách hỗ trợ thanh khoản thị trường về trung và dài hạn, khi không loại bỏ lượng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng ra khỏi công thức tính.

Trước đó, NHNN cũng đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 31 liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã đến những bước cuối cùng, với việc mở rộng đối tượng cho vay.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ Tài chính cho biết về Nghị định 65 sửa đổi, Bộ đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, và xin ý kiến của các bộ ngành, các tổ chức, các chuyên gia, kể cả các tổ chức quốc tế và sẽ trình Chính phủ trong tháng 2.   

Anh Đào