Chuyên gia hiến kế giúp tài chính tiêu dùng vượt khó thời COVID-19
Dịch COVID-19 khiến thu nhập người dân sụt giảm, tài chính tiêu dùng gặp khó
Sáng nay (21/5), Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm về Tài chính tiêu dùng với chủ đề "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng".
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Đây chính là thời điểm để chúng ta bắt đầu chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.
Thứ trưởng cho rằng cần kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay.
"Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng", ông Phương nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, để mở rộng tài chính tiêu dùng, điều tối quan trọng là người vay phải có việc làm. Trong khi đó, gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng mới chỉ dừng ở an sinh xã hội, do vậy nguồn lực công cụ tiền tệ có tính khả thi, tác động hiệu quả hơn nhiều so với các công cụ khác.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tài chính tiêu dùng là ngành kinh doanh dựa trên kì vọng thu nhập, kì vọng thu nhập tăng thì tín dụng tăng và ngược lại.
Mặc dù tín dụng tiêu dùng có khả năng phân tán rủi ro cao nhưng đại dịch COVID-19 là rủi ro hệ thống chứ không phải cục bộ, dẫn tới ưu điểm này của tín dụng tiêu dùng bị vô hiệu.
Phân tích một số yếu tố vĩ mô như dự trữ ngoại hối cao, kì vọng lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang thấp, cán cân thặng dư…, ông Tú Anh cho rằng nền móng kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá vững chắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa. Do vậy, theo Vụ trưởng cần cơ chế kết hợp giữa Chính phủ, nhà sản xuất, người cung cấp tín dụng.
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đặc thù nhờ văn hóa "tiết kiệm" ở tầng lớp trung lưu mới nổi, những người có việc làm và thu nhập.
Về tác động của COVID-19 khiến thu nhập giảm, việc làm giảm, ông Thành cho rằng quan trọng là hành vi, lối sống đang thay đổi và cần xác định đó là thay đổi ngắn hạn hay dài hạn.
Theo ông Thành, cho vay tiêu dùng phải gắn với việc làm thu nhập, hành vi lối sống, lòng tin và rủi ro tài chính, bao gồm cả vĩ mô và vi mô.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc đánh đồng tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân là không phù hợp, bởi đánh giá rủi ro sẽ khác nhau. Tiêu dùng cá nhân một nửa là bất động sản, trong đó đầu tư và đầu cơ không nhỏ. Tổng tín dụng ngân hàng cho vay liên quan đến bất động sản là gần 20% năm 2019, trong đó 1/3 là chủ đầu tư dự án và còn lại là khách hàng. Do vậy, rủi ro trong đầu tư và đầu cơ lớn.
Khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ
Đánh giá bối cảnh hiện nay là thời điểm cần thắp sáng để kích cầu nội địa, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề ra 7 nhóm giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng.
Theo ông Hòe, giải pháp đầu tiên và cần thiết nhất là khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cứu trợ người mất việc, người nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỉ đồng lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách đối với doanh nghiệp để trả lương.
Thứ hai là kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỉ đồng với nút thắt chính là cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba là cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lí, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia.
Thứ tư là giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động. "Đây là yêu cầu không thể thiếu", ông Hòe nhấn mạnh.
Thứ năm là công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá.
Thứ sáu, cần chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ.
Cuối cùng là cần xử lí tội cho vay nặng lãi. Bắt buộc gỡ các ứng dụng cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lí loại "công ty ma" này.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm "dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
"Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỉ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay "dư địa" cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn", ông Đức nói.
Trên cơ sở đó, ông Đức đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2020 - 2025 đối với các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại.
Thứ nhất, xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng tiêu dùng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thực sự am hiểu về những đặc điểm về nhu cầu và tâm lí khách hàng để có thể tư vấn một cách đầy đủ, chính xác và hiệu quả nhất.
Thứ ba, nghiên cứu thiết kế các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ứng dụng công nghệ tài chính, sao cho có thể thỏa mãn nhu cầu tài chính chính đáng của các đối tượng khách hàng mục tiêu nêu trên. Song song với phương thức cho vay truyền thống, các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại nên triển khai "thí điểm" các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ "fintech" cũng như tạo ra một "flatform" giống như các công ty cho vay ngang hàng. "Tăng tiện ích, tiết giảm chi phí giúp giảm lãi suất cho vay".
Đối với các cơ quan quản lí, ông Đức cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lí vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lí một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trước hết là việc nghiên cứu và công bố một chương trình cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn dịch bệnh COVID-19 hiện nay.