|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HSBC: CAR của ngân hàng Việt đang kém các nước trong ASEAN, cho vay tiêu dùng là mối lo ngại lớn

13:41 | 12/05/2021
Chia sẻ
Theo HSBC, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu 8% của Basel II. Cho vay tiêu dùng và hộ gia đình tăng cao đang là trở ngại lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
HSBC: Nợ hộ gia đình tăng cao đang là mối lo ngại lớn đối với các ngân hàng quốc doanh  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Vietcombank).

Mới đây, Bộ phận Global Research của Ngân hang HSBC đã công bố báo cáo "Vietnam at a glance - What do banks' balance sheets tell us?" (Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?) đánh giá sức khỏe các ngân hàng Việt Nam.

HSBC cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đã bị gián đoạn một phần bởi đại dịch. Đánh giá theo tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Việt Nam đang thua kém các nước trong khu vực vì là nước ASEAN duy nhất chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu 8% của Basel II.

Đặc biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng quốc doanh vẫn ở mức thấp. Do đó, Việt Nam cần tiến hành các kế hoạch tái cấp vốn và đẩy nhanh việc áp dụng các yêu cầu của Basel II, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020 đến đầu năm 2023.

"Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có thể ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe của khu vực ngân hàng, nhưng việc tăng tốc cải cách sẽ giúp xây dựng bộ đệm vốn và ngăn ngừa các cú sốc tiêu cực trong tương lai", HSBC khuyến nghị.

Các số liệu trong phân tích được lấy từ báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Bởi các nhà băng này chiếm tới 50% tổng dư nợ cho vay, HSBC tin rằng những số liệu này có thể phản ánh được sức khỏe tổng thể của ngành ngân hàng.

Chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao, đang là một mối lo ngại lớn. 

Cho vay hộ gia đình tại 4 ngân hàng quốc doanh đã tăng đáng kể từ 28% vào năm 2013 lên 46% vào năm 2020, qua đó, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP đã tăng từ 25% lên 61% trong cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng vẫn ở mức cao.

Nếu tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng từ 41% thu nhập vào năm 2013 lên hơn 100% vào năm 2020. 

HSBC: Nợ hộ gia đình tăng cao đang là mối lo ngại lớn đối với các ngân hàng quốc doanh  - Ảnh 2.

(Ảnh: Lê Huy Việt hóa).

Mặt khác, các nhà phân tích của HSBC lưu ý rằng ước tính này có sự hạn chế do chưa có những con số cụ thể, số liệu nợ hộ gia đình của họ bao gồm khá rộng, trong đó có vốn vay sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Dựa trên tham vấn mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), có hơn 50% nợ hộ gia đình phục vụ mục đích kinh doanh cá nhân vào năm 2019.

Nếu ước tính tương tự vào năm 2020, cho vay tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lực lượng lao động, vẫn là một tỷ lệ cao đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam

"Đòn bẩy tiêu dùng nâng cao có thể kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là khi các điều kiện thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch",  báo cáo cho biết.

HSBC: Nợ hộ gia đình tăng cao đang là mối lo ngại lớn đối với các ngân hàng quốc doanh  - Ảnh 3.

(Ảnh: Lê Huy Việt hóa).

Phân tích về cơ cấu nợ, HSBC đánh chất lượng nợ của nhóm ngân hàng "big 4" tương đối khỏe mạnh khi 97% là nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) và chỉ khoảng 1% được xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ quý IV/2019 đến quý III/2020 chỉ tăng nhẹ từ 1,6% lên 2,1%.

HSBC: Nợ hộ gia đình tăng cao đang là mối lo ngại lớn đối với các ngân hàng quốc doanh  - Ảnh 4.

(Ảnh: Lê Huy Việt hóa).

Tuy nhiên, HSBC cũng lưu ý các ngân hàng Việt cần chú ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống. Nếu bao gồm một số nợ có vấn đề khác, chẳng hạn như các khoản nợ đã bán cho VAMC, nợ xấu tổng thể ước tính sẽ tăng từ mức dưới 5% vào năm 2019 lên 7% vào năm 2020.

Về phân bổ tín dụng trong từng lĩnh vực, mặc dù mỗi ngân hàng có sự phân chia các khoản vay khác nhau theo ngành, nhưng nhìn chung lĩnh vực sản xuất và bán buôn/bán lẻ vẫn được chú trọng, điều này báo hiệu tốt cho triển vọng tươi sáng của Việt Nam trong sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro hơn như bất động sản cũng đã tăng tốc kể từ tháng 12/2020, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn.

Về kỳ hạn cho vay, nợ ngắn hạn (dưới 1 năm) chiếm ưu thế với tỷ trọng gần 60% trong các ngân hàng quốc doanh vào năm 2020, cho thấy năm 2021 các nhà băng này sẽ phải chú trọng vào giải quyết, đòi nợ kịp thời.

Lê Huy

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.