VDSC: Các qui định mới sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng quốc doanh
Ảnh minh họa (Nguồn: Alex Chu)
Từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, nhiều qui định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng đi vào hiệu lực. Trong báo cáo cập nhật mới đây, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các qui định này sẽ có tác động đa chiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo VDSC, qui định về việc giảm lãi suất tiền gửi đối với một số kì hạn ngắn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiệu lực từ tháng 11/2019) có thể có tác động trước mắt rất khác nhau phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng ngân hàng khi tuân thủ các qui định này.
Ví dụ, Vietcombank không chỉ giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, mà còn giảm 0,5% lãi suất đối với tất cả các khoản vay của doanh nghiệp trong hai tháng cuối năm. Với chính sách này, Vietcombank ước tính lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm 260 tỉ đồng so với việc không giảm lãi suất. Trái lại, các ngân hàng khác chịu ảnh hưởng nhẹ hơn hoặc có thể được lợi khi tác động của việc giảm lãi suất đầu vào có thể bù trừ thậm chí mạnh hơn tác động của việc giảm lãi suất đầu ra.
Dù vậy về lâu dài, theo mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất của chính phủ cũng như các nỗ lực gần đây của NHNN để đạt mục tiêu này, VDSC cho rằng khả năng mở rộng lợi tức tài sản của các ngân hàng sẽ trở nên hạn chế hơn.
Mặt khác, các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016 hoặc Thông tư 22/2019) và việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng.
"Tác động của các qui định này sẽ mạnh hơn đối với các ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng (như VietinBank) hay tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao (như VIB)", nhóm phân tích VDSC nhận định.
Đánh giá về việc áp dụng tỉ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) tối đa đồng bộ ở mức 85% cho tất cả các ngân hàng (Thông tư 22/2019), VDSC cho rằng qui định này sẽ cho phép các ngân hàng tư nhân có thêm cơ hội đẩy mạnh tỉ lệ này (so với mức ngưỡng tối đa 80% trước đây) để cải thiện NIM.
Trái lại, việc giảm tỉ lệ LDR tối đa đối với các ngân hàng quốc doanh từ 90% xuống 85% dự kiến sẽ khiến các ngân hàng này phải kiềm chế tín dụng hoặc đẩy mạnh huy động, theo đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng.
Trong khi đó, qui định về việc chuyển số dư tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước vào cuối mỗi ngày (Thông tư 58) nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi phí huy động của các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước cao.
Đối với qui định quản lí chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng theo Thông tư 18/2019 (trong đó qui định giảm dần tỉ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (có số dư nợ giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính tiêu dùng đó trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024).
VDSC cho rằng trong số các công ty tài chính tiêu dùng có thị phần tương đối trên thị trường, FE Credit và MCredit là hai công ty điển hình đang có trên 70% dư nợ từ hoạt động cho vay tiền mặt, dù vậy tỉ lệ cho vay giải ngân trực tiếp khách hàng dư nợ trên 20 triệu (chịu sự điều chỉnh của qui định nêu trên) nhiều khả năng thấp hơn 60% (đối với FE Credit là 59%).
Do đó, tác động của Thông tư 18 sẽ chưa đáng kể trong ngắn hạn, dù trong dài hạn nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng của các công ty tập trung cho vay tiền mặt.
Nhìn chung, VDSC nhận định các qui định mới của NHNN sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (VietinBank nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất) trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDBank nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất).
Ngoài ra, VDSC cũng kì vọng các ngân hàng còn khả năng mở rộng tài chính tiêu dùng (MBBank, HDBank) vẫn có cơ hội cải thiện NIM hơn nữa vào năm 2020.
Nguồn: VDSC
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/