|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhận dạng Gen Z – ông hoàng, bà chúa tương lai trong mắt các nhãn hàng

08:14 | 02/07/2021
Chia sẻ
Đã đến lúc các thương hiệu nên bắt đầu dành sự chú ý cho thế hệ tiếp theo, đó chính là gen Z với tiềm năng trở thành nhóm khách hàng mục tiêu tương lai.

Gen Y từ lâu vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhãn hàng và các nhà tiếp thị bởi vì đây là thế hệ công dân toàn cầu đầu tiên, chiếm tỷ trọng dân số lớn cùng mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, đã đến lúc các thương hiệu nên bắt đầu dành sự chú ý cho thế hệ tiếp theo, đó chính là gen Z với tiềm năng trở thành nhóm khách hàng mục tiêu tương lai, khi mà hiện tại họ đã bắt đầu tạo được dấu ấn và khác biệt của riêng mình.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tổng quan về gen Z – cụm từ mà có thể đã không còn xa lạ, nhưng không phải ai cũng mường tượng cụ thể được họ là ai.

Gen Z là ai?

Phác họa chân dung Gen Z – Những “ông hoàng, bà chúa” tương lai trong mắt các nhãn hàng - Ảnh 1.

Gen Z, hay còn gọi là Zoomers (Đồ hoạ: Quản trị mạng).

Gen Z thường được hiểu là những người sinh ra từ nửa sau thập niên 1990 cho đến những năm đầu của thập niên 2010, tuy nhiên sẽ không có một định nghĩa thống nhất về nhóm độ tuổi trung bình chính xác đối với họ. Dù vậy, đa số quan điểm đồng ý rằng, đây là thế hệ có năm sinh ở khoảng bắt đầu từ năm 1997, cho đến năm 2012.

Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên với công nghệ - cụ thể là mạng Internet và sau đó thì điện thoại thông minh dần trở nên phổ biến. Đặc biệt ở bối cảnh Việt Nam, người trẻ gen Z chắc hẳn đa phần đều có tuổi thơ không quá xa lạ với các “quán net”, cùng thời hoàng kim của Yahoo Messenger/Entry, trước khi họ lần lượt “dọn nhà” qua Facebook và sau này là Instagram, cũng như những tựa game online đình đám như Audition, Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunny, Đột kích,… vang bóng một thời.

Với “sơ yếu lý lịch” như vậy, gen Z sẽ có những đặc điểm như sau:

Không thích ra ngoài nhiều

Theo AIM Academy, vì tiếp xúc sớm với mạng Internet, nên họ cảm thấy quen thuộc và thoải mái hơn với các mối quan hệ trên mạng, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội, thay vì đi ra ngoài và trực tiếp nói chuyện với mọi người.

Đặc biệt, trong những cách tương tác với người khác trên mạng xã hội, theo nghiên cứu của OMD & Decision Lab, có tới 50% gen Z khi chat dùng dạng text, trong khi phone call chỉ chiếm 7%. Điều này càng cho thấy rằng, thói quen tương tác trực tiếp của gen Z rất thấp. 

Hơn thế nữa, trong quá trình chat text, họ có thói quen dùng emoji để thể hiện cảm xúc hơn là lời nói. Emoji được dùng nhiều vì tính trực quan, sinh động và bản chất gen Z cũng “không thích nói về những cảm xúc của mình”. Đó có lẽ là một trong những lý do vì sao mà gen Z còn có biệt danh là "thế hệ cô đơn nhất".

Đề cao tính cá nhân 

Theo BrandsVietnam, tôn chỉ sống "Hãy là chính mình!" (Be Yourself!) có thể là một điều mới mẻ với các thế hệ trước, nhưng là một thứ hiển nhiên, quen thuộc và bình thường "như cân đường hộp sữa" đối với gen Z. 

Họ thường có những hành động "vung tay" mua sắm những thứ không cần thiết, miễn "thấy thích là được", hoặc nói một cách cụ thể hơn là những món đồ mua về thể hiện cá tính, "ngầu lòi" hay đang là xu hướng mà họ đang ưa chuộng. Như vậy, các thương hiệu sẽ cần phải nhấn mạnh về các giá trị về cảm xúc và lifestyle mà sản phẩm mang lại, thay vì chỉ đơn giản nói về các giá trị lý tính/chức năng của sản phẩm.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey đã cho thấy rằng: “Thế hệ Z không chỉ háo hức với những sản phẩm được cá nhân hóa mà còn sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn cho những sản phẩm làm nổi bật tính cá nhân của họ.” Do đó, tiếp thị theo hướng cá nhân hóa để thích ứng với gen Z, cũng sẽ là một xu hướng mà các nhà tiếp thị phải lưu tâm trong thời gian tới.

Tin tưởng vào gia đình/bạn bè thay vì Internet/Influencer

Điều này khá lạ so với suy nghĩ của số đông, khi chúng ta thường cảm thấy gen Z lên mạng tìm hiểu thông tin về mọi thứ trên đời, nên dễ có một lầm tưởng là họ sẽ dễ dàng tin tưởng mọi thứ mà mạng Internet gieo vào đầu họ.

Như vậy, gen Z cực kỳ thông minh và biết cách chọn lọc, đánh giá thông tin. Điều này khiến các thương hiệu phải chịu sức ép không những phải đem đến và duy trì sản phẩm ở chất lượng tốt, mà việc quảng bá và truyền thông thương hiệu cũng phải trung thực, nếu không sẽ ngay lập tức bị gen Z tẩy chay.

Ngoài ra, các nhãn hàng có thể đăng những đánh giá tích cực “người thật, việc thật” thay vì cố tình làm giả hay yêu cầu nhân viên của mình viết đánh giá. Những điều này dễ bị phát hiện ra và gây hậu quả tiêu cực khi bạn đánh mất mất lòng tin từ khách hàng gen Z.

Mobile First

Nếu khẩu hiệu của cựu tổng thống Donald Trump là America First để lấy lòng nhóm cử tri ủng hộ ông, thì trường hợp gen Z trong mắt các nhãn hàng có lẽ sẽ là Mobile First. Lớn lên cùng với Internet và Smartphone, gen Z quen thuộc và sử dụng điện thoại nhuần nhuyễn để làm gần như mọi thứ từ nhắn tin, “lướt Phây”, “chém trái cây”, xem video, xem bản đồ, làm việc,… 

Do đó ngân sách digital marketing của nhãn hàng sẽ cần phải dành một phần lớn để nhắm vào điện thoại di động, cũng như content marketing bao gồm ảnh, video, banner,…sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp và tối ưu với nền tảng này.

Tạm kết

Dù có thể nào đi chăng nữa, hãy để thương hiệu của bạn cùng đồng hành với gen Z. Gen Y tất nhiên vẫn đã và đang chiếm đa số lực lượng lao động. Tuy nhiên không lâu nữa thôi, gen Z dự kiến sẽ tạo ra một tác động đáng kể không kém, cũng như "thế chỗ" gen Y. 

Do đó, các nhà tiếp thị từ phía brand cũng như các nhà chiến lược từ phía các agency, cần lắng nghe và thấu hiểu gen Z ngay từ bây giờ – những “ông hoàng, bà chúa" cần được phục vụ của tương lai.

Đạt Thái