|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Starbucks bị bao vây bởi các thương hiệu cà phê nội địa Trung Quốc

07:43 | 02/07/2021
Chia sẻ
Hàng loạt các thương hiệu trà và cà phê nội địa - đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc như Hey Tea, Nayuki,...đã gọi vốn thành công trong vòng 4 tháng đầu năm 2021.
Sự vươn lên của các đối thủ nội địa đe dọa vị thế dẫn đầu của Starbucks tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Starbucks gặp đối mặt với sự cạnh tranh của các đối thủ khác tại Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Các thương hiệu cà phê nội địa tại Trung Quốc đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh chính của Starbucks tại đất nước tỷ dân, tờ CNBC đưa tin.

Gã khổng lồ trong lĩnh vực F&B coi Trung Quốc là thị trường hàng đầu của mình bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Starbucks cũng cho biết việc các lệnh giãn cách được gỡ bỏ có thể trở thành động lực phát triển cho công ty tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thương hiệu này đang vấp phải sự cạnh tranh lớn đến từ các hãng cà phê nội địa.

Theo thông tin từ công ty dữ liệu kinh doanh Qimingpan, trong vòng 4 tháng đầu năm 2021 đã có tới 14 cuộc gọi vốn thành công trên thị trường trà và cà phê tại Trung Quốc. Con số này đúng bằng tổng số cuộc gọi vốn trong năm 2019 và chỉ kém đôi chút so với 19 cuộc gọi vốn trong năm 2020.

Một số giao dịch nổi bật có thể kể đến các khoản đầu tư vào Hey Tea và Nayuki, những công ty bán đồ uống có nguồn gốc từ các loại trà và được định giá 2 tỷ USD trong vài tháng qua.

Bên cạnh đó, một số thương hiệu nước ngoài như illycaffe hay Tim Hortons cũng đang huy động vốn cho các cơ sở liên doanh của họ tại Trung Quốc.

Sự vươn lên của các đối thủ nội địa đe dọa vị thế dẫn đầu của Starbucks tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Một cửa hàng Hey Tea tại Trung Quốc. (Ảnh: Hey Tea).

Theo CNBC, mặc dù rất khó xác định cụ thể bởi nhiều thương vụ không công bố chi tiết hợp đồng nhưng theo nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, các hãng cà phê và đồ uống nội địa của Trung Quốc đang phát triển nhanh.

Tháng 12/2020, trang 36kr của Trung Quốc đưa tin rằng Manner Coffee, một hãng cà phê có trụ sở tại Thượng Hải đã nhận được một khoản đầu tư giá trị hơn 1 tỷ USD. Thương hiệu cà phê này tập trung vào việc bán đồ uống tại các địa điểm nhỏ, bán mang đi trong các khu kinh doanh.

Trong báo cáo thường niên, Starbucks cho biết sự gia nhập của các đối thủ mới tại Trung Quốc là một rủi ro tiềm ẩn. Thị trường Trung Quốc đóng góp lớn cho tổng doanh thu và lợi nhuận của Starbucks.

Quảng Châu và Thâm Quyến đã chứng kiến hàng nghìn cửa hàng cà phê mọc lên trong vòng 5 năm qua, theo dữ liệu từ Meituan. Cũng theo Meituan, Thượng Hải vẫn là thị trường cà phê lớn nhất tại Trung Quốc, tiếp theo lần lượt là Quảng Châu, Thâm Quyến và Bắc Kinh.

Cơ hội lớn cho các thương hiệu trà sữa địa phương

Theo số liệu của Euromonitor, Starbucks vẫn là doanh nghiệp đứng đầu thị trường trà và cà phê tại Trung Quốc trong năm 2020, chiếm 36,4% thị phần.     

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, thị trường đồ uống từ trà lớn gấp đôi thị trường cà phê và khoảng cách đó dự kiến sẽ còn rộng hơn trong năm 2021, Meituan trích dẫn dữ liệu ngành. Công ty cũng cho biết số lượng cửa hàng trà sữa và nước hoa quả đang nhiều gấp 4 lần số lượng cửa hàng cà phê.

Hey Tea hiện đứng thứ hai sau Starbucks trên thị trường trà và cà phê ở Trung Quốc với 8,8% thị phần. Đồng thời, Hey Tea cũng đang mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia khác, với 1,1% thị phần trên toàn thế giới, số liệu từ Euromonitor.

Quốc Anh