|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Highlands Coffee có phải cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chính sách giới hạn giờ ngồi?

15:53 | 30/06/2021
Chia sẻ
Tại Việt Nam, việc giới hạn thời gian sử dụng tại các cửa hàng, quán ăn, cà phê như Highlands Coffee,... có lẽ chưa quá phổ biến. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều chuỗi F&B đã làm điều này.

Ngày 29/6, trên mạng xã hội xuất hiện một bài đăng của nữ khách hàng phàn nàn về việc một cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội chỉ cho khách hàng được ngồi một giờ, muốn ngồi thêm phải gọi thêm đồ.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Nhiều người tỏ ra không hài lòng với cửa hàng nhưng cũng có không ít ý kiến đồng tình với quan điểm của cửa hàng cà phê đó.

Trên thực tế, mô hình ngồi theo giờ này cũng được áp dụng cho khá nhiều chuỗi F&B. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam chắc hẳn nhiều người đã từng ăn uống và trải nghiệm các sản phẩm tại Dookki.

Dookki là một thương hiệu nhà hàng buffet được ra đời tại Hàn Quốc và có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Dookki có 190 cửa hàng ở Hàn Quốc, các chi nhánh ở Thái Lan, Indonesia, Singapore,.... Dookki Việt Nam là concept có bản quyền của Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của người viết, điểm đặc biệt làm nên thương hiệu của Dookki đó là khách hàng chỉ được ngồi ăn trong vòng 90 phút. Đây là quy định được nhà hàng đặt ra từ lâu. Dù vậy, vẫn có nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ tới lượt để được thưởng thức các bữa ăn tại Dookki.

Nhiều chuỗi F&B tại Việt Nam và trên toàn cầu giới hạn thời gian sử dụng với khách hàng - Ảnh 1.

Một cửa hàng Dookki tại Việt Nam. (Ảnh: Saostar).

Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng có rất nhiều chuỗi nhà hàng áp dụng hình thức giới hạn giờ sử dụng. Chẳng hạn như tại Nhật Bản có hai chuỗi dịch vụ gồm Tabehodai là Nomihodai, theo Tin nước Nhật.

Nomihodai là khi khách hàng trả một số tiền nhất định, họ sẽ được sử dụng các dịch vụ sản phẩm và đồ ăn, đồng uống thoải mái trong một khoảng thời gian nhất định. Tabehodai cũng tương tự như Nomihodai trừ việc khách hàng không được gọi đồ uống một cách thoải mái.

Hiểu một cách đơn giản, Nomihodai và Tabehodai gần giống với các loại hình buffet tại Việt Nam. Khác biệt duy nhất nằm ở việc giới hạn thời gian. Thông thường, thời gian tối thiểu để sử dụng các chuỗi dịch vụ này tại Nhật Bản là 60 phút, nếu muốn ăn uống trong thời gian lâu hơn, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền.

Những loại hình này thường được phục vụ tại những quán ăn uống như Izakaya, Yakiniku, Sushi,…

Trong mùa đại dịch vừa qua, một số quốc gia cũng áp dụng việc giới hạn thời gian sử dụng tại các chuỗi cửa hàng đồ ăn và cà phê, ví dụ như Malaysia. Cụ thể, theo tờ The Star Malaysia, chính quyền tại tỉnh Kampung Semambu đã áp dụng quy tắc một giờ đối với các chuỗi F&B trên địa phận toàn tỉnh.

Khách hàng chỉ được phép ngồi tối đa một tiếng tại những tại những quán ăn hoặc cửa hàng cà phê. Hơn nữa, các quán này cũng sẽ bị giới hạn về số lượng khách được đón tiếp. Dù vậy, một số người kinh doanh chia sẻ việc này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động bán hàng của họ cũng như trải nghiệm của khách hàng.

Điều này khá giống với một số cửa hàng cà phê tại Việt Nam hiện nay. Dù không có quy định ngồi một tiếng phải rời đi nhưng các cửa hàng như KAFA, AHA, Coffee House,… cũng giới hạn tối đa 20 khách hàng mỗi lượt, bình quân mỗi quán cũng chỉ có 10 bàn.

Nếu một khách hàng chỉ mua một chai nước và lấy nguyên một bàn đồng nghĩa với các khách hàng khác chỉ có thể mua mang về hoặc sẽ không sử dụng dịch vụ của quán đó nữa.

Quốc Anh