|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình làm Bphone của BKAV: Bị chục công ty chip từ chối, mất gần 7 năm để làm việc với 200 nhà cung ứng linh kiện

09:11 | 09/02/2022
Chia sẻ
CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng khẳng định rằng quá trình làm ra chiếc Bphone không hề đơn giản và khiến ông cảm thấy căng thẳng, thậm chí năng hơn cả bệnh trầm cảm.

Mới đây, xuất hiện trong chương trình CafeTalk số đặc biệt: Phá vỡ định kiến, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV đã có những chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu điện thoại Bphone.

Ý tưởng về một chiếc smartphone

Ông Quảng chia sẻ bản thân bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất smartphone từ năm 2009. Ông tự nhận mình là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam sử dụng smartphone. Ngay từ những năm 2001, ông Quảng đã được tiếp xúc với một thiết bị hỗ trợ cầm tay của HP,  tương tự như những chiếc smartphone hiện đại nhưng không có chức năng nghe gọi.

"Ngày đó tôi nghĩ rằng thiết bị này phải nghe gọi thì mới trở nên phổ biến được. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng đó không phải là lĩnh vực của mình. Tôi chỉ nghĩ vậy và coi đó là công việc của người khác. Bẵng đi một thời gian, hãng HP đã thêm ăng ten vào thiết bị đó và trở thành chiếc điện thoại mới. Tôi đã trăn trở, nhưng vẫn nghĩ rằng đây là công việc của người khác và chờ đợi", ông Quảng cho biết.

Năm 2007, iPhone bắt đầu trở nên phổ biến. Ông Quảng chia sẻ thời điểm đó đã nhận thấy tiềm năng của thị trường, nhưng vẫn chờ đợi Apple sửa đổi, nâng cấp. Tuy nhiên, sau đó ông nhận ra smartphone sẽ trở thành thứ nằm trong túi mỗi người trên toàn thế giới trong tương lai.

"Khi đó, tôi quyết định phải tham gia và không thể bỏ lỡ cơ hội. Tôi họp tất cả mọi người và phân tích liệu công ty có thể làm ra những chiếc điện thoại được không. Sau khi đội thiết kế của công ty đi nghiên cứu và báo cáo lại, tôi mới quyết định sẽ bắt tay vào làm điện thoại", ông Quảng kể.

Hành trình làm Bphone của BKAV: Bị chục công ty chip từ chối, mất gần 7 năm để làm việc với 200 nhà cung ứng linh kiện - Ảnh 1.

Thiết bị cầm tay đầu tiên của HP tương tự smartphone ngày nay. (Ảnh: NewMobile).

Khó khăn trong quá trình sản xuất Bphone

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình làm điện thoại, lãnh đạo BKAV tự ví bản thân giống như "người điếc không sợ súng". Ông Quảng thừa nhận làm ra một chiếc điện thoại cần rất nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi một chuỗi cung ứng phù hợp.

"Đầu tiên, tôi biết đến vấn đề là chip. Thời điểm đó, đa số các hãng điện thoại đều sử dụng chip của Qualcomm. Ngay lập tức tôi cử người sang để đàm phán và nghĩ rằng có người mua thì họ sẽ bán. 

Tuy nhiên, thực tế họ đã từ chối khéo chúng tôi. Khi đó tôi không hiểu vì sao lại như vậy, nhưng sau này thì đã hiểu rằng họ chỉ hỗ trợ những người có đủ tiềm lực và năng lực", ông Quảng kể về gáo nước lạnh đầu tiên.

Thời gian sau đó, ông cùng đội ngũ nhân viên đã gửi email cho hơn 10 nhà sản xuất chip trên thế giới, bao gồm cả những cái tên nổi tiếng như Intel, MediaTek,… Cuối cùng, ông nhận được sự hỗ trợ từ một công ty chuyên sản xuất chip cho ngành công nghiệp của Mỹ là Freescale.

Dựa vào nguồn lực của Freescale, BKAV đã sản xuất ra một chiếc Tablet. Dẫu vậy, chip của Freescale không đủ để giúp công ty sản xuất điện thoại. Cuối cùng, năm 2012, ông Quảng quyết định quay trở lại với Qualcomm. Như vậy, BKAV mất khoảng 3 năm (2009 – 2012) chỉ để chuẩn bị cho một thiết bị duy nhất trên điện thoại là chip.

Giai đoạn ba năm tiếp theo, BKAV tiếp tục làm việc để hoàn thiện chip cho những chiếc Bphone đầu tiên. Theo ông Quảng, trong giai đoạn 6 năm rưỡi, BKAV đã thuyết phục được khoảng 200 nhà cung ứng khác, cung cấp các linh kiện khác nhau cho chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại của công ty.

Hành trình làm Bphone của BKAV: Bị chục công ty chip từ chối, mất gần 7 năm để làm việc với 200 nhà cung ứng linh kiện - Ảnh 2.

Bên trong nhà máy sản xuất Bphone. (Ảnh: BKAV).

"Sản xuất một chiếc điện thoại cũng giống như xây một ngôi nhà. Không ai sản xuất cát, sỏi, xi măng mà xây được nhà cả. Điện thoại cũng vậy, cả BKAV cùng hơn 200 nhà cung ứng khác cùng hợp lực mới có thể sản xuất ra một chiếc điện thoại hoàn chỉnh. Ngay cả Apple hay Samsung cũng làm như vậy thôi", CEO BKAV nhấn mạnh.

Khi ra mắt sản phẩm Bphone đầu tiên, BKAV và cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng đã nhận phải nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí là bị "ném đá". "Gần hai năm sau khi ra mắt sản phẩm đầu tiên, tôi bị stress. Thậm chí tôi còn không lên công ty, nặng hơn cả mức trầm cảm. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ vì tôi đã nghĩ rất kỹ và còn sự quyết tâm. 

Trong suốt hai năm, tôi điều hành công ty từ xa và suy ngẫm sự đời, triết học. Tôi không hiểu vì sao mình làm mọi thứ như vậy mà vẫn bị chửi. Đó là lý do tôi quyết tâm tìm ra gốc rễ vấn đề. Một việc lớn chắc chắn bị ném đá, nhưng bị ném đá thì chưa chắc là việc lớn", ông Quảng nhớ lại.

Ra mắt tại CES 2015

CES là Triển lãm công nghệ tiêu dùng hàng đầu thế giới, nơi mà hãng xe Việt VinFast vừa giới thiệu những mẫu xe điện mới vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, trước đó, một hãng công nghệ Việt khác chính là BKAV đã chọn CES 2015 để làm nơi ra mắt mẫu concept về mẫu Bphone đầu tiên.

"Khi tôi thương mại phần mềm diệt virus, tôi đã hiểu tâm lý người Việt Nam. Người Việt Nam mình có tâm lý mình là một nước nghèo nên hướng tới mọi thứ đều rẻ. Khi một công ty Việt làm ra sản phẩm, chúng ta luôn nghĩ rằng sản phẩm đó phải rẻ. 

Ngược lại, nếu sản phẩm đó có giá cao, họ sẽ bảo rằng công ty đó 'hút máu, kiếm tiền'. Tuy nhiên, các bạn như vậy là không hiểu về kinh doanh để làm ra của cải cho xã hội. Giá rẻ thì sẽ hạn chế rất nhiều thứ và xã hội không phát triển", lãnh đạo BKAV nhấn mạnh.

Để xuất hiện tại một trong những triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, ông Quảng khẳng định mức chi phí mà các công ty phải chi ra sẽ tương đối cao. Ngoài ra, bất kỳ đơn vị nào muốn tham dự cũng phải đăng ký trước hàng năm trời.

"Khi đăng ký như vậy, có rất nhiều ràng buộc, ví dụ như sản phẩm của mình đã sẵn sàng chưa hay mình phải chuẩn bị như thế nào. Không đơn giản để xuất hiện tại CES", CEO BKAV nhấn mạnh.

Mời Vingroup cùng đầu tư

"Thực ra năm 2017, trong quá trình làm Bphone, tôi có viết một bức thư mời Vingroup tham gia cùng đầu tư. Tuy nhiên, sau đó hai bên không thống nhất được quy trình. Và sau đó bên họ cũng tự làm smartphone", ông Quảng nói thêm về lời mời Vingroup đầu tư vào Bphone.

Theo ông Quảng, làm công nghệ phải bắt đầu tư công nghệ. Ông cho biết đã chi ra cả nghìn tỷ đồng để làm sản phẩm, nhưng BKAV thời điểm đó chính xác là thiếu tiền mặt vời con số vài nghìn tỷ đồng trong ngành điện thoại chỉ là một con số rất nhỏ.

"Chúng tôi chỉ có vài nghìn tỷ đồng nhưng đã làm ra được những chiếc điện thoại thông minh. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm của tất cả mọi người, góp phần phát triển ngành công nghệ Việt Nam", ông Quảng nhấn mạnh. 

Quốc Anh

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.