|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

GS. Võ Tòng Xuân: ST25 được quốc tế xướng danh gạo ngon nhất thế giới nhưng vì sao ít người biết đến?

21:39 | 07/04/2023
Chia sẻ
Câu chuyện xây dựng gạo ST25 thành thương hiệu nông sản quốc gia đã được bàn đến nhiều lần nhưng vẫn chưa đến hồi kết. GS. Võ Tòng Xuân cho rằng loại gạo ngon này chưa được thế giới biết đến nhiều, trách nhiệm nằm ở cả cơ quan quản lý - doanh nghiệp - nông dân.

Vì sao gạo ST25 được quốc tế công nhận ngon nhất thế giới nhưng ít người biết đến, đây là vấn đề được GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp đưa ra trong tọa đàm “Xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt”.

GS. Võ Tòng Xuân nói về việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. (Ảnh: Thanh Niên)

GS. Võ Tòng Xuân khẳng định câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có những thay đổi lớn, nguyên nhân đến từ ba yếu tố.

Về phía cơ quan quản lý, chuyên gia cho rằng Nhà nước chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt.

“Lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng Musang King ngon nhất thế giới, trong khi đó gạo ST25 của Việt Nam cũng đã được quốc tế xướng danh nhưng người ngoài ít ai biết đến và các lãnh đạo cũng chưa tuyên truyền nhiều về giống lúa này”, chuyên gia Võ Tòng Xuân nói.

Về phía doanh nghiệp, bản thân ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống lúa ST25 cũng chưa thể trồng diện tích rộng, nguyên liệu đồng đều, bao bì đẹp... Ngay cả Vinafood, công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu, mà phải mua qua thương lái.

Một yếu tố khác được GS. Võ Tòng Xuân chỉ ra là nông dân Việt Nam thích làm ăn nhỏ. Theo đó, muốn xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta phải có những cánh đồng lớn khoảng 10.000 ha, nhưng ruộng đất ở nước ta manh mún, nhỏ lẻ, dồn điền đổi thửa thực sự không dễ.

“Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình. Không dồn điền đổi thửa thì không thể xây dựng thương hiệu gạo nếu nhà nước không can thiệp”, GS. Võ Tòng Xuân nói.

Tiếp tục bàn về gạo ST25, chuyên gia đặt vấn đề rằng loại gạo này đã được thế giới công nhận nhưng tại sao chúng ta vẫn không mạnh dạn xây dựng thành thương hiệu gạo quốc gia?

GS. Võ Tòng Xuân dẫn chứng ở một số quốc gia, cùng một giống lúa nhưng họ có thể xây dựng thành công nhiều thương hiệu gạo khác nhau. Chẳng hạn với giống lúa Koshihikari của Nhật Bản, các công ty lương thực Nhật Bản sản xuất hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau, mỗi cách sản xuất sẽ tạo ra hương vị riêng cho loại gạo này. Các nước như Italy, Thái Lan cũng có cách sản xuất tương tự.

Chuyên gia Võ Tòng Xuân khẳng định rằng các quốc gia rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia. Trong một chuyến đi Campuchia, ông thấy có nhiều chuyên gia của ngân hàng thế giới, Pháp, Australia hỗ trợ nước này xây dựng thương hiệu gạo.

Cụ thể, họ hướng dẫn các doanh nghiệp Campuchia xác định doanh nghiệp có thật tâm với lúa gạo; phân tích cạnh tranh - xác định đối thủ; vị trí so với đối thủ. Ngoài ra cần cải tiến chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức và huấn luyện nông dân kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn; đăng ký thương hiệu và khẩu hiệu chiến lược; cách đóng gói bao bì, chiến dịch marketing, xúc tiến thương mại.

Dẫn chứng về kinh nghiệm quốc tế, GS. Võ Tòng Xuân khẳng định vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng, tất cả thành phần trong chuỗi đều phải có trách nhiệm.

Đồng quan điểm, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood cho biết phát triển thương hiệu nông sản Việt không phải chỉ dán nhãn rồi xuất khẩu, chúng ta phải xây dựng một hệ sinh thái mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi.

Ông Minh dẫn chứng về thương hiệu sâm của Hàn Quốc. Một củ sâm có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng người Hàn Quốc không bán củ sâm đó. Họ tạo ra cả hệ sinh thái, từ các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm sâm cho mọi lứa tuổi, mọi món ăn. Chính quyền nước này cũng bảo trợ cho những showroom sâm uy tín, quảng bá sản phẩm qua phim ảnh… để bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng biết đến.

“Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu. Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều có lợi nhuận và muốn bỏ tiền vào đầu tư, lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu", ông Trần Bảo Minh nói.

Hoàng Anh