Nghịch lý gạo Việt không thiếu, tại sao ồ ạt nhập gạo Ấn Độ?
Nghi vấn doanh nghiệp mua gạo Ấn Độ để gắn mác gạo Việt
Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về nhập khẩu gạo đối với 5 doanh nghiệp nhập khẩu gạo nhiều bất thường từ Ấn Độ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5 năm nay.
Nguyên nhân là từ năm 2020 Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và xu hướng tăng vẫn tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2021.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, tính trong ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD. Con số này tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với 76 tấn, trị giá 135 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, trong quý I/2021, gần như toàn bộ các lô gạo nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam đều là gạo non-basmati với giá trung bình khoảng 303 USD/tấn, thấp hơn gần 200 USD/tấn so với mức 500 USD/tấn giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này, báo Pháp luật TP HCM đưa tin.
Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết: "Gạo Ấn Độ nhập về Việt Nam nhiều nhưng thực tế khi đến các siêu thị hay các cửa hàng gạo tìm mua thì lại không có bán".
Cũng theo doanh nghiệp này lý do các đơn vị nhập gạo Ấn Độ về là để làm bánh, bún nhưng thực tế không phải vậy hoàn toàn.
Phân tích khả năng tạm nhập tái xuất, ông Có cho rằng hoạt động này dành cho các mặt hàng cần gia công và xuất khẩu lại nước thứ 3 với giá trị cao. Còn gạo Ấn Độ giá trị thấp nên nếu tạm nhập tái xuất lấy tên gạo Ấn xuất đi thì không có lợi nhuận.
Trong khi đó, hiện tại đã xuất hiện nhiều dấu hiệu gian lận thương mại như nhập khẩu từ công ty này nhưng mở tờ khai công ty khác hoặc nhập khẩu gạo Ấn Độ nhưng bao bì là sản phẩm của Việt Nam.
"Đã xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp mua gạo Ấn Độ rồi xuất đi nhưng lấy danh nghĩa gạo trắng Việt để trục lợi. Doanh nghiệp nào nhập khẩu gạo Ấn Độ mà bao bì là gạo của Việt Nam đó chính là bằng chứng gian lận thương mại", ông Có cho hay.
Thực tế, trong thời gian qua đã có một số lô bị hải quan kiểm tra phát hiện gạo từ Ấn về mà trên bao bì ghi gạo được sản xuất từ Việt Nam và giữ lại để xử lý.
Cụ thể, hồi tháng 5 vừa qua lô hàng thuộc hai tờ khai nhập khẩu do một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021 và được khai báo trên tờ khai hải quan là xuất xứ Ấn Độ.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Trước đó, trong tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Ngành gạo Việt Nam phải gánh chịu nhiều tổn thất
Theo ông Phan Văn Có thông tin này đang gây hại cho thương hiệu gạo Việt: "Là giết chết thị trường gạo trắng Việt Nam bởi thực tế nhiều đối tác đã ngừng nhập khẩu gạo trắng 5% của Việt Nam khiến việc thu mua gạo trắng thời điểm này cũng hạn chế".
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng trồng lúa rất lớn từ mấy chục năm liền và cả thế giới đều biết Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, trong hầu hết các cuộc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các quốc gia khác, Chính phủ, Bộ Công thương luôn cố gắng và đấu tranh đến cùng để yêu cầu các quốc gia tăng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
"Ví dụ như Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), sau 10 năm đàm phán, ký kết, EU mới cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu chỉ 80.000 tấn mỗi năm vào 27 quốc gia. Trong khi chỉ trong vòng một năm, lượng gạo thấp cấp nhập từ Ấn Độ cao gấp 5 lần hạn ngạch gạo xuất một năm sang EU của Việt Nam", ông Bình nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định đây là một nghịch lý bởi Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo, tức là đang dư thừa gạo thì nhập khẩu gạo để làm gì? Do đó, đại diện doanh nghiệp Công ty Trung An cho rằng hoạt động này đang phá hoại ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
"Các doanh nghiệp nhập về rồi bán cho các đơn vị trong nước, họ sẽ trộn với gạo Việt Nam để bán với giá rẻ. Gạo Việt Nam đang tạo dựng hình ảnh chất lượng với giá thành đang cải thiện cao thì việc làm của họ không những đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, nhà nông và doanh nghiệp Việt mà còn khiến gạo chân chính của Việt Nam bị kéo giá xuống thấp", ông Bình thẳng thắn nói.
Điển hình như vụ lúa hè thu đang thu hoạch với giá lúa xuống thấp và tiêu thụ chậm nhưng với thực trạng này của gạo Ấn Độ đã khiến các đầu ra càng hạn hẹp.
"Khách nước ngoài đang so đo, tính toán giữa các doanh nghiệp chào gạo 5% tấm với giá giá 470 USD/tấn và nhiều doanh nghiệp bán với giá 520-530 USD/tấn nhưng người ta không biết rằng loại gạo 470 USD/tấn đó đã được pha trộn với gạo giá rẻ Ấn Độ vào", ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT trong tháng 5, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ nói chung có tăng, đến cuối tháng đạt mức 382 USD/tấn, gạo Việt Nam khoảng 493 USD/tấn duy trì từ đầu đến cuối tháng.
Nhìn chung, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ loại 5% tấm luôn thấp hơn giá gạo xuất khẩu Việt Nam cùng chủng loại trên dưới 100 USD/tấn.