|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng Việt ra nước ngoài, gian nan giữ thương hiệu

17:21 | 09/11/2022
Chia sẻ
Câu chuyện của thương hiệu võng Duy Lợi cũng như vụ việc gạo Việt ST24, ST25 được bảo hộ thành công tại Australia là những minh chứng rõ ràng nhất tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu khi bán hàng ra nước ngoài.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, Cơ quan quản lý Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) đã công bố vụ việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 với nội dung: "Hết hiệu lực/Không bảo vệ - Lapsed/Not Protected".

Điều này có nghĩa việc đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 "Rice; Best Rice of The World" của một doanh nghiệp nước ngoài đã bị bác bỏ và phía Australia đồng ý cấp văn bản bảo hộ nhãn hiệu đối với gạo ST24 và ST25 của Việt Nam.

Vụ việc các thương hiệu Việt bị doanh nghiệp nước ngoài "đánh cắp" không còn xa lạ. Trước đó, nhiều thương hiệu Việt như: Cà phê Trung Nguyên bị một doanh nghiệp bên Mỹ đăng ký, mít sấy Vinamit bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc, nước mắm Phú Quốc bị doanh nghiệp Thái Lan đăng ký thương hiệu, bia Sài Gòn, bánh phồng tôm Sa Giang, võng xếp Duy Lợi bị đăng ký ở Nhật, Mỹ,...

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Duy Lợi (Ảnh: Uyên Phương).

Từ câu chuyện của ông chủ võng xếp Duy Lợi 

Chia sẻ bên lề sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Duy Lợi cho hay, trong nhiều năm hoạt động, Duy Lợi đã nhiều lần thành công trong việc đấu tranh để bảo vệ thương hiệu cũng như những sáng chế về mặt thiết kế, kiểu dáng cho sản phẩm võng xếp.

Trong đó, việc thắng kiện tại Nhật Bản và Mỹ đã giúp Duy Lợi cũng như các thương hiệu Việt có cơ hội xuất khẩu và bảo vệ thiết kế tại hai thị trường quan trọng này.

Trước khi khởi kiện, võng Duy Lợi không thể xuất khẩu sang Nhật vì một doanh nghiệp nước này đã đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích. Thực chất đây là cách đánh cắp sáng chế, bởi Duy Lợi đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam cho sản phẩm của mình từ ngày 23/3/2000, trong khi giải pháp hữu ích kia đăng ký tại Nhật Bản gần một năm rưỡi sau đó, ngày 22/8/2001.

Đây là cơ sở để cơ quan sáng chế Nhật Bản hủy bỏ hiệu lực văn bằng sáng chế của doanh nghiệp Nhật, đồng thời công nhận hiệu lực văn bằng sở hữu công nghiệp của Duy Lợi ở nước này. Ngay sau khi có phán quyết thắng kiện, Duy Lợi đã khai thông được thị trường Nhật Bản, với một hợp đồng xuất hàng dài hạn cho một tập đoàn có hệ thống 160 siêu thị tại Nhật.

Nếu không thắng kiện, Duy Lợi sẽ không được sản xuất võng ngay tại Việt Nam, và phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp kia.

Tương tự, Duy Lợi đã thắng kiện trong việc bảo vệ kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng ở Mỹ mở đường cho mặt hàng võng xếp của Việt Nam chứ không chỉ riêng Duy Lợi tiến quân vào thị trường này, ông Lợi cho biết.

Câu chuyện của thương hiệu võng Duy Lợi cũng như vụ việc gạo Việt ST24, ST25 được bảo hộ thành công tại Australia là những minh chứng rõ ràng nhất tầm quan trọng của việc đăng ký  thương hiệu khi bán hàng ra nước ngoài.

Chủ động bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài

Với hai sản phẩm giá phơi đồ xếp gắn tường và giá phơi đồ đứng gắn tường vừa được cấp bằng sáng chế độc quyền và ra mắt ngày 8/11, ông Lâm Tấn Lợi cũng cho biết sẽ chủ động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Ông Lợi cũng cho biết, hiện tại các sản phẩm của Duy Lợi không chỉ có hơn 2.000 đại lý phân phối khắp Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp,... 

Việc chủ động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tránh được mối lo mất thương hiệu ở thị trường nước ngoài.

Với hình thức bán hàng online xuyên biên giới, hầu hết các doanh nghiệp Việt có tiếng tăm đều đã thành lập gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử nhằm khẳng định thương hiệu và bản quyền.

Sau những bước đầu thành công ở nội địa, các công ty trong nước đang trên hành trình chinh phục thế giới. Với lợi thế là kênh online, các sàn thương mại điện tử có thể đưa hàng hoá Việt ra khu vực và toàn cầu. Các trang như Lazada, Shopee hiện nay đều có các nhà bán Việt Nam và quốc tế, vận chuyển xuyên biên giới. 

Những doanh nghiệp Việt tiêu biểu từng bán hàng thành công trên Amazon có: gốm sứ Minh Long, LAFOOCO – sản xuất và kinh doanh nhân điều, Hector – đông trùng hạ thảo, ChicnChill – thủ công mỹ nghệ, AnEco – nhựa thuỷ phân sinh học,… Trong năm 2022, thống kê cho thấy khoảng 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã ra toàn cầu qua Amazon.

Trước xu hướng này, phía Duy Lợi cho biết đang có kế hoạch làm việc với Amazon để đưa sản phẩm lên sàn. Những quốc gia tiềm năng sử dụng các sản phẩm gia dụng, giá phơi có thể kể đến như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… Một số nước cũng là thị trường xuất khẩu của công ty.

Nguyễn Thắm

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.