Hà Nội sẽ có nhiều khách sạn mới được quản lý bởi thương hiệu quốc tế
Trong bối cảnh các hoạt động kích cầu du lịch đang dần tạo nền tảng ổn định để thị trường phục hồi, triển vọng về nguồn cung mới cũng đáng chú ý. Năm 2024, Hà Nội đón nhận thêm 68 dự án khách sạn, cung cấp khoảng 12.115 phòng. Đặc biệt, một dự án khách sạn 5 sao dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024, sẽ cung cấp thêm 207 phòng.
Giai đoạn từ 2025 đến 2026, thị trường Hà Nội dự kiến cung cấp 3.035 phòng từ 12 dự án mới. Trong số đó, các khách sạn 5 sao chiếm ưu thế với 77% và các dự án 4 sao chiếm 23% nguồn cung. Những con số này hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú tại Hà Nội.
Theo phân tích của Savills, khu vực nội thành dự kiến sẽ chiếm 41% tổng nguồn cung mới, tương đương 5.027 phòng từ 22 dự án. Các thương hiệu quốc tế như Hilton, Fusion, Accor và Four Seasons sẽ tiếp tục chiếm ưu thế khi quản lý 66% nguồn cung mới. Trong khi đó, 34% nguồn cung mới còn lại sẽ do các đơn vị quản lý nội địa quản lý, mang đến cho du khách nhiều đa dạng sự lựa chọn về thương hiệu.
Thống kê của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, trong quý III vừa qua, thị trường khách sạn Hà Nội không có dự án mới, giá thuê giảm nhẹ do các chương trình khuyến mãi thu hút khách, trong bối cảnh du lịch nội địa được thúc đẩy mạnh mẽ.
Nguồn cung hiện tại của ngành khách sạn duy trì ổn định theo quý với 11.120 phòng từ 67 dự án. Nguồn cung hiện tại tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, với khoảng 5.500 phòng.
Trong số đó, tỷ lệ khách sạn 5 sao chiếm 59%. Nguồn cung khách sạn 5 sao tăng 8% theo năm, trong khi nguồn cung khách sạn 4 sao giảm 7% do dự án Eastin Hotel & Residences thay đổi thương hiệu thành Movenpick Living West và được chuyển từ 4 sao lên 5 sao. Đối với khách sạn 3 sao, nguồn cung giảm 3% theo năm do 2 dự án A25 Asean và Minh Cường không còn được xếp hạng.
Giá thuê trung bình trong quý vừa qua đạt mức 2,7 triệu đồng/phòng/đêm, giảm 2% so với quý trước. Phân khúc 5 sao cũng ghi nhận mức giảm 2% theo quý và 1% theo năm. Trong khi đó, giá thuê phòng tại các dự án 4 sao tăng nhẹ 2% theo quý và 1% theo năm.
Lý giải về thực trạng thị trường khách sạn giảm giá thuê, ông Matthew Powell cho rằng, quý III hàng năm thường là giai đoạn thấp điểm của các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Do đó, nhiều dự án khách sạn đồng loạt triển khai các chương trình ưu đãi và các gói du lịch kích cầu với mục tiêu thu hút khách du lịch trong mùa thu cũng như hưởng ứng chương trình thúc đẩy du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với các chương trình kích cầu, ngành du lịch đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong thời điểm quý III với tổng doanh thu du lịch Hà Nội đạt khoảng 81.932 tỷ đồng - tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội đồng thời đã đón 21,1 triệu lượt du khách, tăng 11,7% theo năm; trong đó, khách quốc tế đạt 4,4 triệu người tăng 40,8% theo năm và khách nội địa đạt 16,7 triệu người tăng 5,8% theo năm.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch đang ghi nhận những tín hiệu khả quan nhưng trên thực tế, hiệu suất của thị trường khách sạn trong quý III vẫn chưa thực sự bứt phá với công suất đạt 67%. Tỷ lệ này không thay đổi so với quý trước và tăng 6 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thời gian tới, việc Hà Nội dự kiến đón nhận thêm nhiều dự án khách sạn mới, trong đó phần lớn do các thương hiệu quốc tế quản lý được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao dịch vụ lưu trú và cung cấp đa dạng lựa chọn cho du khách khi đến với Thủ đô.