|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giám sát tín dụng (Credit Monitoring) là gì? Mục đích và nội dung của giám sát tín dụng

09:59 | 23/08/2019
Chia sẻ
Giám sát tín dụng (tiếng Anh: Credit Monitoring) là hoạt động được tiến hành từ khi tiền vay phát ra cho đến khi khoản vay được hoàn trả. Hoạt động này có mục đích và nội dung cần chú ý.

Credit-Monitoring-in-Banks

Hình minh họa (Nguồn: Banking Finance)

Giám sát tín dụng (Credit Monitoring)

Khái niệm

Giám sát tín dụng trong tiếng Anh gọi là Credit Monitoring.

Giám sát tín dụng là hoạt động được tiến hành từ khi tiền vay phát ra cho đến khi khoản vay được hoàn trả nhằm kiểm tra mục đích sử dụng vốn, kiểm soát mức độ rủi ro, đảm bảo khách hàng thực hiện đúng và đầy đủ những cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Mục đích của việc giám sát

- Giám sát và quản lí tín dụng được thực hiện nhằm đôn đốc khách hàng hiện đúng và đầy đủ những cam kết trong hợp đồng tín dụng, phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh sử dụng vốn của khách hàng, ngăn ngừa những hành vi vi phạm và hạn chế xu hướng rủi ro đạo đức của khách hàng.

- Giám sát tín dụng là kiểm tra xem khách hàng có sử dụng vốn đúng mục đích hay không, kiểm soát mức độ rủi ro tín dụng phát sinh trong quá trình sử dụng vốn tín dụng, theo dõi thực hiện các điều khoản cụ thể đã thỏa thuận trong hợp đồng, kịp thời phát hiện những vi phạm để có những ứng xử thích hợp, theo dõi và ghi nhận việc thực hiện qui trình tín dụng.

- Giám sát món vay hiệu quả sẽ làm giảm tổn thất tín dụng thông qua việc phát hiện và đánh giá vấn đề sớm nhất có thể. 

- Giám sát hiệu quả cũng sẽ cung cấp đầu vào quan trọng cho việc quản lí rủi ro danh mục, công tác lập kế hoạch chiến lược bằng cách theo dõi chuyển hạng tín dụng thay đổi mức độ rủi ro cho mỗi khách hàng vay và khoản vay theo danh mục cho vay của ngân hàng.

- Giám sát khoản vay hiệu quả cũng giúp phát hiện những cơ hội kinh doanh mới.

Nội dung giám sát

Theo dõi khoản vay

- Kiểm tra mục đích sử dụng vốn: Kiểm tra hồ sơ, chứng từ, sổ sách theo dõi hoạch toán của khách hàng, chứng từ hóa đơn,...

- Theo dõi, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và bảo đảm tín dụng của khách hàng.

Xếp hạng tín dụng theo mức độ rủi ro: Ngân hàng trong suốt thời gian cho vay phải phải liên tục giám sát danh mục tín dụng nhằm có các hành động kịp thời khi có bất kì vấn đề nào nảy sinh đối với khoản vay.

Phương pháp giám sát việc xếp hạng tín dụng: Phương pháp dùng bảng so sánh

Dấu hiệu cảnh báo sớm trong quá trình giám sát khoản vay bao gồm:

- Dấu hiệu cảnh báo tài chính

- Dấu hiệu cảnh báo phi tài chính

- Thông tin nội bộ ngân hàng

- Dấu hiệu của các hoạt động trái pháp luật

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)

Thanh Hoa