|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Bảo đảm bằng tài sản (Secured By Property) là gì?

11:58 | 19/08/2019
Chia sẻ
Bảo đảm bằng tài sản (tiếng Anh: Secured By Property) là hình thức bảo đảm tín dụng trong đó ngân hàng đóng vai trò là chủ nợ được thừa hưởng một số quyền hạn nhất định đối với tài sản của khách hàng vay.

211049baoxaydung-1

Hình minh họa (Nguồn: Dongtam)

Bảo đảm bằng tài sản

Khái niệm

Bảo đảm bằng tài sản trong tiếng Anh là Secured By Property.

Bảo đảm bằng tài sản là hình thức bảo đảm tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là chủ nợ được thừa hưởng một số quyền hạn nhất định đối với tài sản của khách hàng vay hoặc của bên có nghĩa vụ nhằm làm căn cứ để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vay không có khả năng trả nợ hoặc cố tình không trả nợ.

Điều kiện đối với tài sản làm bảo đảm

Thứ nhất: Tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của khách đang vay hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch.

Thứ hai: Tài sản làm bảo đảm phải được pháp luật cho phép. nhượng hợp pháp, được phép giao dịch. Nếu những tài sản không chuyển nhượng hợp pháp sẽ gây khó khăn cho ngân hàng khi quản lí phát mại tài sản. Tài sản được phép giao dịch được hiểu là các loại tài sản mà pháp luật cho phép hoặc không cấm mua, bán, tặng, cho, chuyển đổi, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, và các giao dịch khác.

Thứ ba: Không có tranh chấp tại thời điểm kí kết hợp đồng bảo đảm.

Để thoả mãn điều kiện này, ngân hàng yêu cầu bên bảo đảm cam kết bằng văn bản về việc tài sản không có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, quản lí tài sản đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình.

Thứ tư: Phải mua bảo hiểm nếu pháp luật qui định.

Đối với tài sản pháp luật quy định phải mua bảo hiểm thì ngân hàng yêu cầu bên bảo đảm xuất trình hợp đồng mua bảo hiểm trong thời gian bảo đảm tiền vay. Trường hợp khoản vay có thời hạn dài, bên bảo đảm có thể xuất trình hợp đồng mua bảo hiểm có thời hạn ngắn hơn song phải có cam kết bằng văn bản việc tiếp tục mua bảo hiểm trong thời gian tiếp theo cho đến khi hết thời hạn bảo đảm. 

Nhằm bảo đảm khả năng thu nợ an toàn, ngân hàng nên thoả thuận với khách hàng về việc chuyển tên người hưởng trong hợp đồng bảo hiểm là ngân hàng trong trường hợp rủi ro xảy ra. 

Thứ năm: Có tính thị trường tức là có khả năng tiêu thụ trên thị trường. Muốn xem xét điều kiện này, ngân hàng cần phân tích trên các khía cạnh:

- Tài sản này có thể bán được dễ dàng hay không (tính thông dụng).

- Độ bền của tài sản.

- Tính cạnh tranh của tài sản trên thị trường.

- Hiện tại trên thị trường đã có loại tài sản đó chưa.

- Chi phí của việc phát mại tài sản đó.

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch. 

Bao gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Quyền sở hữu nhà; máy móc thiết bị, nhà xưởng, Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dùng để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm; Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kì phiếu, chứng chỉ tiền gửi,..,

Các hình thức bảo đảm bằng tài sản 

Thế chấp tài sản: Là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

Cầm cố tài sản: Là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho bên cho vay để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. 

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)

Thanh Hoa