Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài là gì? Ưu nhược điểm của phương pháp này
Hình minh họa (Nguồn: we.landora.vn)
Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài (Resolve Business Disputes by Arbitration)
Khái niệm
Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài trong tiếng Anh là Resolve Business Disputes by Arbitration.
Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.
Đặc điểm của giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài
Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài có những đặc điểm chủ yếu sau:
+ Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp được thực hiện bởi Trọng tài viên hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp
+ Trọng tài giải quyết tranh chấp trong kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Muốn đưa vụ tranh chấp trong kinh doanh ra trọng tài để giải quyết thì trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài, đó là sự nhất trí của các bên đưa ra trọng tài giải quyết tất cả hoặc một số nội dung tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận trọng tài hợp lệ có giá trị ràng buộc đối với các bên
+ Bảo đảm tối đa quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Giải quyết tranh chấp qua trọng tài, các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn địa điểm, thủ tục tiến hành phiên họp trọng tài,...
+ Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bảo đảm sự kết hợp giữa hai yếu tố: thỏa thuận và tài phán. Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và các phán quyết của trọng tài có thể được Tòa án công nhận và cho thi hành thông qua một thủ tục tư pháp.
Ưu nhược điểm của phương pháp giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài
Ưu điểm
– Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
– Khả năng chỉ định trọng tài viên thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác.
– Nguyên tắc trọng tài xét xử không công khai, phần nào giúp các bên giữ được uy tín trên thương trường.
– Các bên tranh chấp có khả năng tác động đến quá trình trọng tài, kiểm soát được việc cung cấp chứng cứ của mình và điều này giúp các bên giữ được bí quyết kinh doanh.
– Trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhân tố nước ngoài.
Nhược điểm
- Trọng tài không phải cơ quan quyền lực nhà nước nên khi xét xử, trong trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cứ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc về điều đó mà phải yêu cầu tòa án thi hành các phán quyết trọng tài.
- Việc thực hiện các quyết định của trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, uy tín của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu do đó việc họ tự giác thực hiện các quyết định của trọng tài khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn chưa coi trọng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nên vẫn chưa có ý thức tự giác.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)