Đối tượng kiểm toán là gì? Các đối tượng kiểm toán
Hình minh hoạ (Nguồn: mfw)
Đối tượng kiểm toán
Khái niệm
Đối tượng kiểm toán là tất cả các vấn đề cần được kiểm toán trước hết và chủ yếu là thực trạng hoạt động tài chính trong các đơn vị.
Các đối tượng của kiểm toán
Đối tượng kiểm toán trước hết là các tài liệu kế toán vì đây là đối tượng quan tâm trực tiếp của cả các nhà quản lí và những người quan tâm khác.
Nhưng với mọi người quan tâm, các con số và tài liệu kế toán không còn ý nghĩa nếu như không gắn liền với thực trạng tài chính của đơn vị kiểm toán. Có điều này là do tính phức tạp của quan hệ tài chính và giới hạn về trình độ, phương tiện xử lí thông tin nên kế toán không thể thu thập được tất cả các thông tin tài chính.
Chính vì vậy, kiểm toán không chỉ giới hạn đối tượng ở tài liệu kế toán mà còn bao gồm cả thực trạng của hoạt động tài chính dù đã được phản ánh trong tài liệu kế toán hay chưa được phản ánh trong tài liệu kế toán.
Hơn nữa để phù hợp với sự phát triển của kế toán và nhu cầu của quản lí, kiểm toán còn quan tâm tới các lĩnh vực khác của quản lí như hiệu quả sử dụng nguồn lực, hiệu năng của các chương trình, mục tiêu, dự án cụ thể...
Cụ thể các đối tượng của kiểm toán như sau:
- Thực trạng hoạt động tài chính - đối tượng chung của kiểm toán
Hoạt động tài chính là dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ kinh tế trong đầu tư, trong kinh doanh, trong phân phối và thanh toán nhằm đạt tới lợi ích kinh tế xác định.
Ở đây, các mối quan hệ tài chính là nội dung bên trong của hoạt động tài chính và tiền chỉ là hình thức biểu hiện, là phương tiện để giải quyết các mối quan hệ kinh tế đó.
- Tài liệu kế toán - đối tượng cụ thể của kiểm toán
Tài liệu kế toán là hệ thống các chứng từ, sổ sách, các bảng biểu và báo cáo tài chính kế toán.
Theo Luật kế toán: Tài liệu kế toán là chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và các tài liệu khác có liên quan đến kế toán.
- Thực trạng tài sản và các nghiệp vụ tài chính - đối tượng cụ thể của kiểm toán
+ Trong một đơn vị kinh doanh hay sự nghiệp, tài sản dược biểu hiện dưới nhiều hình thái vật chất khác nhau với yêu cầu về qui cách, phẩm chất, bảo quản, bảo dưỡng... khác nhau, lại được lưu trữ trên nhiều kho, bãi khác nhau với những người quản lí khác nhau.
Mối liên hệ giữa những người quản lí với nhau cũng như giữa người quản lí với người sở hữu tài sản được thực hiện theo những xu hướng và phương thức khác nhau song có xu hướng ngày càng tăng dần sự cách biệt giữa người sở hữu với người bảo quản và sử dụng tài sản.
Mặt khác, khi sản xuất phát triển, qui mô tài sản cũng tăng lên, qui mô kinh doanh mở rộng, các mối liên kết kinh tế ngày càng đa dạng, phức tạp... dẫn đến khả năng cách biệt giữa tài sản với sự phản ánh của nó trong thông tin kế toán...
Thực tế đó đã thúc đẩy sự ra đời của kiểm toán cùng tính tất yếu phải đặt thực trạng của tài sản vào đối tượng kiểm toán.
+ Tài sản trong kinh doanh có dạng vật chất và nguồn hình thành đa dạng, chúng luôn vận động và được thể hiện bởi các nghiệp vụ cụ thể.
Dựa trên quá trình vận động này, đặc tính riêng của từng loại tài sản, mối quan hệ kinh tế của mỗi loại và sự đa dạng của các nghiệp vụ nên kiểm toán được chia thành các phần hành kiểm toán cụ thể phù hợp với đối tượng của mình.
Các phần hành kiểm toán bao gồm
+ Kiểm toán các nghiệp vụ về tiền mặt hoặc quĩ
+ Kiểm toán các nghiệp vụ về tiền mặt hoặc quĩ
+ Kiểm toán các nghiệp vụ vật tư
+ Kiểm toán các nghiệp vụ của quá trình kinh doanh
+ Kiểm toán các nghiệp vụ tạo vốn và hoàn trả vốn
- Hiệu quả và hiệu năng - đối tượng cụ thể của kiểm toán
Tài liệu kế toán, thực trạng tài sản và nghiệp vụ tài chính là những đối tượng gắn liền với sự phát sinh và phát triển của kiểm toán. Song theo quan điểm hiện đại, đối tượng kiểm toán còn bao gồm cả hiệu năng và hiệu quả.
Việc mở rộng đối tượng kiểm toán như vậy cũng xuất phát từ những đòi hỏi thực tế của quản lí trong điều kiện qui mô kinh doanh và hoạt động sự nghiệp ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực ngày càng bị giới hạn.
Đặc biệt trong cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, để thực hiện tiết kiệm và giành lợi thế trong cạnh tranh thì vấn đề hiệu quả, hiệu năng cần được đặt ra cho từng nghiệp vụ cụ thể.
Đặc điểm
+ Đây là đối tượng mới phát sinh của kiểm toán và nó bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX trở lại đây.
+ Hiệu quả và hiệu năng là một bộ phận của kiểm toán nghiệp vụ và gắn liền với một nghiệp vụ hay một dự án, một chương trình cụ thể.
+ Trước khi tiến hành cuộc kiểm toán hiệu năng, hiệu quả thì cần phải đặt ra các chuẩn mực cụ thể và rõ ràng. Các chuẩn mực cụ thể ở đây có thể là mục tiêu, qui trình, nội qui, các thông số kĩ thuật hoặc các chỉ tiêu kinh tế...
+ Thường thì việc đặt ra các chuẩn mực cho kiểm toán hiệu năng là khó hơn cho các chuẩn mực kiểm toán hiệu quả.
+ Đối với việc đặt ra các chuẩn mực cho tính hiệu năng thì chúng luôn bao gồm các mục tiêu và mục đích cụ thể của tổ chức, còn các chuẩn mực cho tính hiệu quả thì thường được xác định bởi mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra.
Tóm lại, thông qua nghiên cứu cụ thể về đối tượng kiểm toán có thể thấy đối tượng chung của kiểm toán là thực trạng hoạt động tài chính và hiệu quả thực hiện các nội dung, chương trình, dự án.
Có thể phân chia đối tượng kiểm toán đó thành các đối tượng cụ thể khác nhau như thông tin kế toán, thực trạng tài sản và nghiệp vụ tài chính cùng hiệu quả, hiệu năng của các nghiệp vụ, các chương trình, các dự án.
(Tài liệu tham khảo: Đối tượng và phương pháp kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)