|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Định vị trên thị trường (Market Positioning) là gì? Mức độ và chiến lược định vị

17:52 | 13/11/2019
Chia sẻ
Định vị trên thị trường (tiếng Anh: Market Positioning) là thiết kế một sản phẩm có các đặc điểm, đặc tính khác biệt so với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh và tạo ra cho nó một hình ảnh riêng đối với khách hàng. Đây là yếu tố quyết định vị trí của sản phẩm trên thị trường.
Định vị trên thị trường (Market Positioning) là gì? Mức độ và chiến lược định vị - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: teaediciones.com)

Định vị trên thị trường (Market Positioning)

Khái niệm

Định vị trên thị trường trong tiếng Anh là Market Positioning.

Ngày nay, khách hàng bị tác động bởi rất nhiều hoạt động truyền thông về hàng hóa và dịch vụ. Các ấn tượng chỉ tồn tại khi chúng khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, độc đáo và phù hợp với tâm lí khách hàng.

Định vị trên thị trường là việc đưa các ấn tượng tốt, đặc sắc, khó quên về sản phẩm của doanh nghiệp vào tâm trí khách hàng bằng các chiến lược marketing mix hiệu quả.

Việc định vị có hiệu quả phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp làm khác biệt những sản phẩm của mình so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh bằng cách đáp ứng các giá trị vượt trội cho khách hàng.

Các mức độ định vị trên thị trường

Các mức độ định vị có thể là: Định vị địa điểm, định vị ngành sản xuất, định vị doanh nghiệp, định vị sản phẩm.

- Định vị địa điểm: Có thể là một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một châu lục.

- Định vị ngành: Một doanh nghiệp thuộc một ngành nhất định và mỗi ngành đều có sự khác biệt về kĩ thuật, nguyên vật liệu, lao động…

- Định vị doanh nghiệp: Một số doanh nghiệp trong cùng một ngành, tuy sản xuất ra các sản phẩm có tính năng sử dụng khá giống nhau, nhưng lại có nhiều mặt khác nhau như lịch sử hình thành và phát triển, qui mô và kĩ thuật sản xuất, trình độ công nhân viên, vốn kinh doanh, thị phần, mức độ đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng sản phẩm,…

- Định vị sản phẩm: Là việc tạo ra các ấn tượng tốt về sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng bằng các đặc điểm như lợi ích, chất lượng, giá cả, cách phục vụ, thông tin, hệ thống bán hàng…

Các đặc điểm này được dùng để định vị phải đặc sắc, độc đáo, hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh.

Chiến lược định vị sản phẩm

Có thể có các chiến lược sau: Định vị trên một thuộc tính của sản phẩm, định vị trên công dụng của sản phẩm, định vị trên tầng lớp người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp, định vị so sánh với các đối thủ cạnh tranh…

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing của Doanh nghiệp xây dựng, NXB Xây Dựng)

Đỗ Đức Nhượng